Bà Nguyễn Thị Oanh năm nay 53 tuổi nhưng đã có gần 40 năm tuổi nghề. Là nghệ nhân thế hệ thứ 2 và là dâu trưởng trong gia đình ông Nguyễn Hữu Sam, bà Oanh say sưa kể chuyện với một niềm tự hào lẫn trăn trở của một người yêu nghề: “Làng này ngày xưa tất cả các gia đình đều làm tranh dân gian, mọi người cùng nhau ra hợp tác xã vẽ tranh, làm tranh. Đến phiên chợ cùng nhau đi bán. Nhưng sau này, tranh không bán được nên mọi người bỏ nghề chuyển sang làm hàng mã, những bức vẽ cổ họ không làm nữa nên nộp lên cho hợp tác xã, có những bức vẽ tồn tại hơn 100 năm nay rồi… Hiện cả làng chỉ còn lại nhà tôi và nhà Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế làm tranh thôi”.
Bà Nguyễn Thị Oanh bên những bản khắc tranh cổ.
Bà Oanh sinh ra trong một gia đình có cha mẹ đều theo nghề làm tranh dân gian. Trong môi trường ấy, bà đã nhanh chóng làm quen với nghề, bắt đầu vẽ tranh từ khi 10 tuổi rồi theo mẹ vào hợp tác xã làm tranh từ cuối những năm 1975. Năm 1980, cô gái Nguyễn Thị Oanh về làm dâu ông Nguyễn Hữu Sam (lúc này ông Sam làm chủ nhiệm đội tranh Đông Hồ). Là con dâu trưởng nên cô gái trẻ được bố chồng truyền nghề, vì vậy sau này bà càng thêm gắn bó với tranh Đông Hồ và nguyện giữ nghề dài lâu.
Giờ tranh Đông Hồ không còn vị thế như trước, người dân làng này cũng ít treo tranh trong nhà chứ chẳng nói người ngoài. Cả làng giờ tập trung theo nghề làm hàng mã, thu nhập ổn định quanh năm. Những "Đám cưới chuột", "Vinh quy về làng"... chìm nghỉm trong ngựa, xe, mũ mão vải giấy. Bà Oanh không khỏi buồn khi giấy dó, “gà lợn nét tươi trong” như lạc lõng nơi đây nhưng vẫn cương quyết giữ nghề vì với bà, “làm tranh là giữ văn hóa”.
Phục dựng làng tranh
Trong làng còn 2 hộ gia đình theo nghiệp tranh đó là gia đình ông Nguyễn Hữu Sam và ông Nguyễn Đăng Chế. Nơi đây cũng là địa chỉ quen thuộc của các nhà nghiên cứu văn hóa cũng như đông đảo khách du lịch. Bà Oanh cho biết, trong khu tranh của gia đình ông Nguyễn Đăng Chế có quyển sổ dày hàng trăm trang để khách ghi lại cảm nhận của mình khi tới thăm.
Còn gia đình bà, bất cứ ai cũng tiếp chuyện khách nhiệt tình, kể về lịch sử cũng như khó khăn mà làng nghề đang gặp phải. Ngoài những bản in cổ có cách đây hàng trăm năm và những tác phẩm mà bố chồng sáng tác như: “Quan họ”, “Người ở đừng về”, “Đến hẹn lại lên”... thì năm 2012, bà Oanh sáng tác thêm 3 tác phẩm: “Bán tranh trên đình làng”, “ Về miền quan họ”, “Chợ quê” trên bản khắc gỗ rồi in giấy theo cách in truyền thống của tranh Đông Hồ.
Tháng 5.2013, bà Oanh đã được Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh phong tặng danh hiệu Nghệ nhân tiêu biểu. |
Được bố chồng giao tiếp quản xưởng tranh từ 10 năm nay, bà Oanh luôn cố gắng để có những bản vẽ độc đáo và có giá trị. Bà nói để có một bức tranh đẹp phải có chất liệu tốt, từ giấy dó đến màu vẽ và tái hiện cuộc sống hàng ngày sinh động và rõ nét. Nét vẽ phải chuẩn, màu phải đẹp, chủ đề tranh đa dạng thì người xem mới có hứng thú. Bà đang nỗ lực để ngày càng có nhiều bức tranh đẹp…
Đỗ Thuỷ (Dân Việt)