Độc đáo lễ hội hoa chuối
Đối với người Xa Phó, hoa chuối đỏ với sức vươn thẳng, đỏ tươi thể hiện cho tấm lòng ngay thẳng vươn tới gần thần linh, mong có được những điều tốt lành từ các đấng tối cao ban tặng. Lễ hội hoa chuối được tổ chức cố định vào ngày 9/9 âm lịch hàng năm. Trước khi tổ chức hội hoa chuối, các gia đình tham dự mang lễ vật đến góp cho gia đình chủ hội gồm gạo, gà, rượu, chim nướng, mắm cá ủ chua, muối ớt...
Sau khi các món ăn đã chế biến xong, chủ nhà bày tất cả lên một chiếc mâm đan bằng mây và đem đặt thành từng dãy theo thứ tự trên khu đất đầu làng để cúng thần linh phù hộ cho làng. Trước khi hành lễ, các gia đình thắp hương tại mâm lễ của mình và khấn: “Nhờ có tổ tiên, trời đất phù hộ độ trì, giúp con cháu biết làm ra hạt gạo nuôi sống con người, hôm nay, làng tổ chức hội hoa chuối, gia đình làm mâm cơm đặt giữa nơi đất thiêng đầu làng, mời tổ tiên, thần đất, thần rừng, thần suối… về chứng kiến tấm lòng của gia chủ với thần linh và những người đã khuất.”
Khi hương tàn, chủ hội vái lạy rồi xin phép hóa vàng và ra hiệu cho các gia đình hạ lễ. Các món ăn được chia làm 2 mâm, mâm dành riêng cho đàn ông, những người họ hàng, khách mời là đàn ông và một số mâm dành cho phụ nữ và những người trẻ.
Khi đã ăn uống no say, chủ hội và một số nam thanh niên thực hiện nghi lễ trồng cây chuối trong khu vực hành lễ để bày tỏ sự mong muốn các vụ tiếp theo sẽ bội thu, no ấm hơn. Khi cây chuối trồng xong thì các loài hoa rừng được cắm xung quanh biểu thị cho sự đoàn kết gắn bó cả dân tộc xung quanh việc lớn chung của cộng đồng.
Khi đã chuẩn bị xong, từng đôi thanh niên nam, nữ thực hiện các nghi lễ múa cầu mùa, diễn tả động tác cày, bừa, cấy, hái, gặt lúa, săn bắn… dâng cúng cơm mới và các đặc sản làm được trong năm. Trong ngày hội hoa chuối, người Xa Phó kiêng không cho ai mang bất cứ thứ gì ra khỏi nhà, khỏi làng. Trong ngày tổ chức hội hoa chuối, người Xa Phó chỉ tiếp nhận người đến dự cùng vui chứ không xuất ngoại làm việc khác.
Tết đón hồn lúa mới
Nghi thức "đón hồn lúa mới" của người Xa Phó cũng mang bản sắc rất riêng. Ngày gia đình ăn tết cơm mới, toàn bộ thóc gạo cũ của gia đình đều được đem cất đi, nhà cửa dọn dẹp sạch sẽ với ý nghĩa để đón hồn lúa mới về đầy nhà, thay thế mùa vụ cũ. Khi đó, gia đình sẽ cử những người phụ nữ xinh tươi, khỏe mạnh đi cắt lúa mới, thường là người vợ và con gái của chủ nhà.
Người được "vinh dự" chọn đi cắt lúa sẽ dậy sớm hơn mọi khi, mặc bộ quần áo mới lặng lẽ đi ra ruộng, nương cắt lúa, họ kiêng để cho người khác biết và đặc biệt là kiêng gặp người cùng làng trên đường đi. Nếu thấy ai thì họ thường phải tránh, bởi việc đi cắt lúa mới không chỉ đơn thuần là cắt lúa mang về nhà mà đây là nghi thức đón hồn lúa về nhà, nên mọi công việc đều diễn ra một cách bí mật. Khi cắt lúa, người cắt phải quay mặt về hướng đông có ánh bình minh với ý nghĩa của sự sinh sôi nảy nở mùa tiếp mùa. Đến sáng hôm sau, họ mới mang những cum lúa mới xuống giã thành gạo, nấu cơm mới để cúng tổ tiên.
Lễ vật trong lễ cơm mới được bày thành hai mâm, một mâm cúng thần thổ công được đặt ở gần cửa chính ra vào và một mâm cúng trời đất được đặt ở ngoài sàn ngoài trời. Trên mâm cúng tổ tiên, gia đình đặt một gói xôi, một gói cơm tẻ, một đĩa thịt gà, một gói cát, một gói hoa chuối, một gói cà xanh. Rượu cúng được đựng trong ống nứa và chén rót rượu bày tại mâm lễ cúng làm bằng ống nứa tươi.
Trong phần lễ cúng cơm mới không thể thiếu được hai cuộn chỉ dùng để buộc vào tay các thành viên trong gia đình với ý nghĩa cầu chúc sức khỏe, may mắn và gắn kết, cùng về ăn tết với gia đình. Nhưng bộ quần áo mới, cùng khăn, các đồ trang sức, vòng bạc có trong gia đình cũng được bày treo gần mâm lễ.
Trong bữa cơm ngày lễ, chủ nhà rót ba lần rượu, mọi người đều phải uống hết ba lần để làm “lý” rồi được tự do mời, chúc tụng nhau. Mọi người cầm tay nhau xòe quanh bếp lửa rồi cùng nhau nâng chén rượu, cầu chúc cho gia đình những lời tốt đẹp nhất, chúc cho cây trồng, mùa vàng bội thu, gia đình có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Đồng bào Xa Phó sống tập trung chủ yếu ở một số xã: Phú Nhuận, Gia Phú (huyện Bảo Thắng); Kim Sơn (huyện Bảo Yên), Nậm Sài (huyện Sa Pa); Hợp Thành (thành phố Lào Cai) và xã Chiềng Ken (huyện Văn Bàn).
Theo ông Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, với những nét độc đáo rất riêng, các lễ hội của đồng bào Xa Phó Lào Cai đã góp thêm cho vườn hoa văn hóa của Lào Cai những màu sắc mới hấp dẫn khách du lịch qua mỗi mùa lễ hội./.
Hương Thu (TTXVN)