Các bậc tiền bối kể lại rằng, xưa kia, bưởi vùng mạn ngược theo dòng chảy trôi về rất nhiều, người ta thấy vậy liền vớt lên bán, dần dần theo thói quen gọi vùng này là vùng Bưởi và chợ nằm trong khu vực này cũng gọi là chợ Bưởi.
Chợ Bưởi ngày xưa
Một số tài liệu cho rằng, chợ Bưởi có thể hình thành từ đời Lý, nhưng cũng có những nhà nghiên cứu lại bảo chợ hình thành từ giữa thế kỷ 19. Chợ họp vào các ngày 4, 9, 14, 19, 24, 29.
Chợ Bưởi cổ chỉ là những dãy lán bằng phên nứa tuyềnh toàng và chỉ có 1 – 2 dãy nhà gỗ mà người mua kẻ bán ở đây quen gọi là cầu chợ. Trước những năm 30 của thế kỷ trước, người Pháp cho xây dựng hai cầu chợ bằng bê tông kiên cố che mưa nắng. Mang tính chất chợ vùng ven, chợ Bưởi là nơi trao đổi, mua bán sản phẩm các làng nghề vùng Kẻ Bưởi làm ra như dệt lĩnh Yên Thái, Bái Ân, giấy của làng Yên Thái, Hồ Khẩu, Đông Xã và dụng cụ sản xuất nông nghiệp của vùng Xuân La, Xuân Đỉnh.
Xung quanh khu vực chợ Bưởi, hoạt động sản xuất thủ công tương đối phát triển, chợ Bưởi theo đó cũng sôi động vào các phiên chợ, người mua bán tấp nập. Nơi này cũng là chỗ để người dân lân cận mang cây con giống đến bán từ mớ rau thơm, bó cải giống đến chó mèo, lợn gà, thỏ, chim…
Dân vùng Tây Tựu, Cổ Nhuế, Xuân La, Xuân Đỉnh với mặt hàng rau giống, hạt giống, công cụ nông nghiệp; dân vùng Nhật Tân, Quảng An, Quảng Bá với các loại cây cảnh, hoa cảnh. Người Hà Nội cũ muốn mua bất cứ thứ gì mang tính dân dã, đến chợ Bưởi là sẽ tìm thấy.
Vậy nên, chợ Bưởi cũng trở thành nơi thăm thú của nhiều người rảnh rỗi, yêu chim thú, hoa cây cảnh ở khắp các nơi trong Hà Nội. Đặc biệt, những năm xa xưa, cứ đến ngày 29 Tết, chợ Bưởi còn có thêm một nếp là mổ trâu bò và dân các làng vùng Bưởi cùng nhau mua trâu bò rồi giết mổ tại chợ, chia nhau ăn Tết...
Ngày nay, chợ Bưởi đã xây dựng khang trang, hiện đại, thuộc sự quản lý của Tổng công ty Thương mại Hà Nội, nhưng riêng phiên chợ vẫn được duy trì bằng cách quy hoạch một khu vực riêng để người dân có cơ hội mua bán cây, con giống.
Ông Nguyễn Văn Thế, Phó giám đốc Công ty cổ phần chợ Bưởi, một người xuất thân từ làng Yên Thái, có nhiều gắn bó với chợ từ nhỏ cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng xây dựng chợ Bưởi thành một chợ văn minh, hiện đại trong những nét văn hóa truyền thống”.
Chợ Bưởi ngày nay
Ở chợ Bưởi còn duy nhất một hàng bán công cụ nông nghiệp, nhưng ông Nguyễn Văn Thế cho rằng, có lẽ bà chủ hàng này không duy trì được bao lâu. Và ông cũng nhẩm tính rằng, người bán con giống lâu năm ở chợ phiên còn độ 6 – 7 người, bán cây giống cũng còn gần 10 người; ngoài ra cứ tới phiên chợ một số người khác cũng có thể đem đến bán, ví như nhà nào đó nuôi được ổ chó đẻ hoặc mèo đẻ.
Là người có thâm niên gắn bó trên 50 năm với các phiên chợ Bưởi, từ thủa 13,14 tuổi tấp tểnh theo bà, theo mẹ đi phụ bán hàng, bà Nguyễn Thị An ở phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy tâm sự: “Lãi lờ từ bán cây giống chẳng đáng bao nhiêu nhưng đã quen bán hàng này ở phiên chợ Bưởi rồi nên tôi cũng không chuyển sang kinh doanh hàng khác”.
Và cũng không hiểu cơ duyên nào mà cả hai con dâu bà cũng cắp thúng theo mẹ chồng bán hạt giống, cây giống ở khu vực chợ phiên này. Trước kia, gia đình bà cũng chuyên làm cây giống nhưng rồi đất đai thu hẹp dần nên giờ đây cả ba mẹ con đều mua lại hàng của nông dân ngoại thành đem vào.
Cũng có thâm niên gắn bó với các phiên chợ Bưởi từ hơn 20 năm nay, anh Nguyễn Mạnh Hà ở làng Đông, phường Bưởi (nay thuộc tổ 21 phường Bưởi) lại chuyên kinh doanh chó, mèo. Không chỉ bán ở các phiên chợ Bưởi, anh Hà còn bán ở phiên chợ Mơ (các ngày 2, 7), phiên chợ Hà Đông (các ngày 5, 10), chợ Trôi (các ngày 1, 6), chợ Canh Diễn (các ngày 3, 8). Mỗi phiên chợ anh cũng chỉ bán được mỗi loại vài con nhưng dù sao theo anh không làm nghề này cũng chưa biết kiếm nghề gì hơn.
Chó mèo cảnh bán ở chợ Bưởi
Anh Hà cho rằng, chợ phiên Bưởi ngày nay thu hẹp hơn trước nhưng chắc chắn vẫn còn tồn tại vì nhiều người còn thích nuôi chó mèo, trồng cây hoa cảnh, cho dù diện tích nhà họ nhỏ hẹp.
Có lẽ, chính bởi lý do này nên cho dù cuộc sống phát triển theo hướng hiện đại, Hà Nội đô thị hóa quá nhanh nhưng các phiên chợ Bưởi vẫn tồn tại như một nét văn hóa riêng của Thăng Long – Hà Nội.
Theo vietnamplus