Đội cồng chiêng Mơ Nông (xã Trà Leng) trong lễ mừng tết mùa. Ảnh: Hoàng Thọ
|
Bao đời nay, đồng bào các dân tộc sống trên dãy Trường Sơn nói chung và đồng bào Xê Đăng, Ca Dong, Mơ Nông ở Nam Trà My nói riêng, xem tiếng cồng, tiếng chiêng là sự sáng tạo độc đáo, là hồn núi mang âm vang linh thiêng trong đời sống sinh hoạt. Trưởng phòng VH-TT huyện Nam Trà My - Dương Trinh khẳng định: “Đồng bào ở Nam Trà My xem cồng chiêng là văn hóa tâm linh. Âm vang cồng chiêng của đồng bào có giai điệu trầm hùng, ngân nga. Trước khi lấy cồng chiêng ra đánh, mọi người đều phải sắm lễ vật cúng xin phép ông bà để tỏ lòng thành kính với gia sản cha ông để lại”.
Từ ngày tái lập huyện đến nay, Nam Trà My đã tổ chức 2 liên hoan nghệ thuật cồng chiêng và 1 lễ hội đâm trâu cấp huyện. Mỗi lần liên hoan có đến hàng trăm nghệ nhân từ các xã tụ về trình diễn nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình. Nổi bật như lễ “Cúng lúa mới” của xã Trà Dơn với hình ảnh 5 đôi nam - nữ nhảy múa cồng chiêng vây quanh vị già làng đọc bài cúng tạ ơn thần linh đã ban phát may mắn, mùa màng bội thu. Đội cồng chiêng xã Trà Leng biểu diễn bài múa truyền thống của người Mơ Nông tạ ơn thần linh đã che chở, bảo vệ dân làng. Âm vang cồng chiêng của người Mơ Nông thì hối hả, thúc giục, kèm theo đó là điệu múa chụp múa xòe của các thiếu nữ...
Cũng giống như các đội cồng chiêng khác, trong quá trình biểu diễn, các đôi nam nữ Mơ Nông tay mang cồng chiêng vừa đánh vừa nhảy múa thành vòng tròn. Già làng đứng giữa đọc bài cúng: “Ta gọi ông ta từ đất lở, núi mòn, về đây cùng vui với dân làng. Ta gọi ông ta từ sông sâu, đá cạn, về đây cùng ăn ngon với hàng xóm, láng giềng…”. Ông Hồ Văn Hai, nghệ nhân cồng chiêng xã Trà Nam chia sẻ: “Ngày xưa, mỗi khi trong làng có lễ hội, cha ông chúng tôi đều mang cồng chiêng ra đánh để báo hiệu cho thần linh biết về chứng giám, nhất là trong các lễ mừng lúa mới, lễ đâm trâu, lễ cúng máng nước… Dần dần số lượng người biết đánh và múa cồng chiêng ít đi, do đó liên hoan, lễ hội là dịp để chúng tôi biểu diễn nét văn hóa đặc sắc, khơi dậy niềm đam mê cho lớp trẻ chung tay gìn giữ gia sản tinh thần của cha ông. Ông Lê Ngọc Kích - Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định: “Dù đời sống vật chất của bà con còn nhiều khó khăn nhưng mỗi khi tổ chức liên hoan đều thu hút đông đủ các nghệ nhân, diễn viên không chuyên tham dự. Thông qua đó, chúng tôi mong muốn khơi dậy truyền thống đoàn kết, ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của nhân dân. Điều thuận lợi là một số gia đình ở Trà Nam, Trà Linh, Trà Cang… người già vẫn còn giữ việc truyền cách đánh, múa cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Như hộ ông Lê Xuân Phân ở nóc Tắk Pốc (thôn 1 xã Trà Cang) có tới 2 bộ cồng chiêng và thường xuyên tổ chức luyện tập, truyền dạy cho con cháu”.
Cùng với việc bảo tồn, lưu giữ văn hóa cồng chiêng, huyện Nam Trà My cũng đã có những việc làm cụ thể nhằm đầu tư cho di sản này trở nên phong phú, đa dạng. Ông Dương Trinh cho biết, đối với bà con người Ca Dong, Mơ Nông, bộ cồng chiêng gồm 3 chiêng và 1 trống; người Xê Đăng gồm 9 chiêng, 1 trống. Theo khảo sát, toàn huyện hiện còn khoảng 35 đội cồng chiêng trong tổng số 243 nóc. Có nhiều nơi như thôn 1, thôn 2 xã Trà Mai đã lâu không thấy người dân sinh hoạt cộng đồng. Vì vậy huyện đã dành 100 triệu mua cồng chiêng cấp cho những làng nóc đang thiếu, giúp bà con có cồng chiêng để luyện tập, biểu diễn và lưu truyền. Để các bộ cồng chiêng đáp ứng yêu cầu chất lượng, huyện đưa các nghệ nhân xuống cơ sở sản xuất để thẩm âm, chọn những bộ cồng chiêng ưng ý. Huyện cũng đã đề ra lộ trình đầu tư nhằm lưu giữ nét văn hóa đặc sắc của đồng bào bản địa, khuyến khích các nghệ nhân dành nhiều thời gian truyền đạt kỹ năng biểu diễn cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Để đồng bào có cơ hội sinh hoạt, huyện tổ chức lễ hội lồng ghép với các sự kiện chính trị - xã hội để biểu diễn cồng chiêng nhằm thu hút và gây niềm đam mê cho thế hệ trẻ. Đặc biệt, chính quyền còn lên kế hoạch đưa văn hóa cồng chiêng vào trường học để giảng dạy. “Phải quan tâm nhiều hơn nữa đối với nghệ thuật cồng chiêng ngay từ bây giờ để giữ được cái hồn cho người dân miền núi. Một khi nét văn hóa tiêu biểu này bị mai một, việc bảo tồn rất khó khăn, tốn rất nhiều thời gian cũng như kinh phí” - ông Dương Trinh nói.
Trải qua thời gian sinh hoạt và sản xuất, tiếng cồng tiếng chiêng đã ăn sâu vào tâm thức người dân Nam Trà My. Nó được các thế hệ trân trọng gìn giữ và lưu truyền từ đời này sang đời khác. Và những cố gắng trong công tác bảo tồn, đầu tư của huyện đã góp sức giữ gìn và phát huy âm vang hồn núi nơi đại ngàn.
(Theo LangVietOnline)