Dù vẫn còn đó những hạn chế về mặt thủ tục pháp lý song tục “bắt vợ” của người dân tộc Mông và “trộm vợ” của người dân tộc Thái thể hiện rõ nét sự tự do hôn nhân.
Nét duyên thầm thiếu nữ dân tộc Mông
Đây cũng là những tục lệ đầy tính nhân văn, lối thoát cho những hoàn cảnh nghèo, không đủ tiền lo việc cưới.
“Trộm” vì không đủ tiền cưới
Chàng trai dân tộc Thái chỉ tiến hành “trộm vợ” khi người con gái đã chấp nhận làm vợ anh ta. Tuy nhiên, vì nhiều lí do khác nhau mà chàng trai phải tiến hành biện pháp đạo chích đáng yêu này. Anh Vi Hồng Xơi - Trưởng công an xã Na Mèo (huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa) cho chúng tôi biết, một trong những nguyên nhân chàng trai dân tộc Thái tiến hành “trộm vợ” là do hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Khi nhà quá nghèo, chi phí cho việc cưới xin vượt quá khả năng, chàng trai Thái sẽ đi “trộm vợ”. Sau khi trộm vợ thành công, đôi trai gái về ở với nhau, làm ăn đến khi có đủ điều kiện sẽ tiến hành lễ cưới.
Dù vậy, cũng có những đôi trai gái về ở với nhau mà “quên” luôn làm lễ cưới khao làng. Tuy nhiên đây không phải là lí do duy nhất người ta “trộm vợ”. Khi cặp trai gái yêu nhau muốn đi đến hôn nhân nhưng bị gia đình cản trở, chàng trai cũng sẽ tiến hành “trộm vợ”. Ngoài ra, có một lý do tế nhị khác, khi đôi trai gái trót “ăn cơm trước kẻng”, điều tối kỵ trong văn hóa đồng bào Thái, thì “trộm vợ” cũng là hướng giải quyết vấn đề.
Thường thì chàng trai dân tộc Thái tiến hành “trộm vợ” vào ban đêm. Đêm đó, chàng trai vẫn đến nhà cô gái chơi như thường lệ. Cô gái Thái sẽ được chàng trai ra tín hiệu ngầm và hai người trốn khỏi nhà cô gái, về nhà chàng trai. Người nhà cô gái thường không biết trước gia đình sẽ “mất người” trong đêm. Thông thường đến sáng sớm, khi nhận ra “tín hiệu” của chàng trai để lại, người nhà cô gái mới biết cô gái trong nhà đã bị “trộm”.
“Tín hiệu” của chàng trai đi “trộm vợ” thường được để lại ở những nơi dễ nhìn thấy nhất trong nhà cô gái. Đó thường là một khoản tiền, nhiều hay ít là tùy điều kiện mỗi chàng trai, được “kẻ trộm” cho vào chiếc chõ dùng đồ xôi của đồng bào Thái. Thường thì đồng bào Thái có nét sinh hoạt độc đáo là đồ xôi vào sáng sớm để dùng cho cả ngày. Sáng nào cũng vậy, người phụ nữ trong nhà phải dậy sớm để cọ rửa chiếc chõ bằng gỗ chuyên để đồ xôi. Chính vì vậy, chiếc chõ đồ xôi là nơi gửi gắm tín hiệu thông báo của chàng trai đi “trộm vợ”.
Nếu một sáng sớm nào đó, người phụ nữ dân tộc Thái vô tình bắt gặp một khoản tiền được bỏ lại trong chiếc chõ đồ xôi, người phụ nữ đó sẽ hiểu ngay rằng một người con gái trong nhà vừa bị “trộm” mang đi tối qua. Sau khi nhận được tín hiệu của chàng trai, nhà cô gái cũng chuẩn bị tâm lý, chè rượu để tiếp khách. Ngay trong buổi sáng, sau đêm chàng trai “trộm vợ” thành công, nhà trai phải có nghĩa vụ đến thông báo với nhà cô gái về “lỗi lầm” của chàng trai. Cũng trong buổi gặp gỡ đầu tiên này, hai bên gia đình sẽ bàn bạc các vấn đề liên quan đến đám cưới của đôi trai gái.
Yêu rồi mới “bắt”
Tín hiệu “trộm vợ” thường để lại trong các chõ đồ xôi |
Đối với chàng trai Mông, việc “bắt vợ” sẽ chứng minh sự thật lòng với người yêu, sự mưu trí, dũng cảm của chàng trai. “Bắt vợ” là thử thách cuối cùng để chàng trai và cô gái trở thành vợ chồng của nhau. Trong khi đó, với cô gái Mông, đây lại là cơ hội chứng tỏ niềm tự hào về bản thân, về người bạn trai giữa chốn đông người. Dù “tình trong như đã” song phải bị bắt mới chịu về nhà trai dường như là điều mà các cô gái Mông muốn bày tỏ thông qua tục “bắt vợ”. Người Mông cho rằng “bắt vợ” như thế mới quý, con gái không tự ý về nhà chồng, càng bị bắt nhiều lần, người con gái càng có giá trị.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chàng trai Mông tiến hành “bắt vợ” khi tình cảm giữa anh và cô gái đã tiến triển đến giai đoạn “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. Địa điểm bắt vợ thường là công khai, ở nơi có nhiều người chứng kiến. Điều này cũng là để chứng tỏ và công khai cho mọi người thấy hạnh phúc của đôi bạn trẻ.
Cũng có trường hợp chàng trai chỉ yêu đơn phương và “bắt” không đúng đối tượng thương yêu mình. Trong trường hợp này cô gái sẽ tìm cách trốn khỏi nhà chàng trai hoặc được chàng trai cố tình để cô gái trốn thoát. Trường hợp này, gia đình nhà chàng trai phải làm lễ vật sang nhà cô gái để “đền danh dự” cho nhà gái. Còn sau ba hôm bị “bắt”, cô gái không trốn, không trốn được khỏi nhà chàng trai, nhà trai sẽ đến báo cho nhà gái biết và bàn việc cưới. Cũng có trường hợp cô gái chưa hề yêu chàng trai đến “bắt” mình nhưng sau đó họ vẫn là vợ chồng. Sự dũng cảm, chân thật, mưu trí mà chàng trai Mông đã thể hiện trong lúc “bắt vợ” nhiều khi cũng làm xiêu lòng cô gái Mông.