Trang phục của người con gái Mường gắn liền với truyền thuyết lãng mạn về mối tình giữa chàng trai nghèo tên là Khỏe và cô gái con nhà Lang xinh đẹp tên là Út Dô. Vì sự khác biệt địa vị nên họ không đến được với nhau đã dẫn đến một mối tình tuyệt vọng. Nàng Út Dô theo tiếng gọi của tình yêu, nàng chết và biến thành những bông hoa clăng mọc bên suối. Từ đó người Mường nguyện mang trên mình một tấm vải được dệt nguyên sợi từ bông màu trắng, giống như màu hoa clăng tượng trưng cho lòng chung thủy và sự trong trắng của người con gái Mường.
Những cô gái Mường trong trang phục truyền thống. Ảnh: Thanh Huyền
|
Trang phục nữ người Mường gồm khăn đội đầu bằng vải trắng hình chữ nhật không thêu thùa, yếm, áo cánh (phổ biến là màu trắng) thân rất ngắn thường xẻ ở ngực và váy dài đến mắt cá chân.
Khăn đội đầu tiếng Mường gọi là Mũ. Mũ là một dải vải trắng dệt bằng bông không viền, rộng chừng một gang tay, dài quá vòng đầu để thắt sau gáy theo kiểu thắt vặn, không luồn dưới tóc.
Áo ngắn mặc ngoài, tiếng Mường gọi là áo Pắn, áo dài đến chấm eo lưng, phía sau có đường can vải theo dọc sống lưng. Phía trước không có cổ. Ngày xưa có hai loại nẹp áo để quy định.
Nếu con gái nhà Lang thì nẹp áo được may (tràng) vắt qua cổ sang hai bên. Tràng rộng bằng ngón tay dài hai lớp vải. Còn một loại áo cổ tròn và hai vạt may nẹp dành cho con nhà dân thường. Tay áo không may nối vai mà được cắt may liền theo kiểu áo bà ba thon dần về phía cổ tay. Áo Pắn trước chỉ có hai màu nâu và trắng, nhưng nay chiếc áo được thay đổi về chất liệu và màu sắc bởi sự phong phú của các loại vải.
Yếm - mặc bên trong áo Pắn, là một miếng vải hình vuông, cạnh trên có khoét tròn và ôm khít cổ, có may dây để buộc sau gáy. Hai cạnh bên có may dây để buộc ra sau lưng giống như cách buộc yếm của người Kinh. Một số người Mường ở Thanh Hóa có loại áo ngắn chui đầu, gấu lượn, khi mặc cho vào trong cạp váy và cao lên đến ngực mặc thay cho yếm.
Váy của người Mường được gọi là Wẳl, là váy đen dài, đầu váy được trang trí bằng những hoa văn thổ cẩm nổi bật, do người phụ nữ Mường tự dệt nên. Váy Mường được chia làm hai phần chính. Phần đầu váy hay thường gọi là cạp váy, được tính từ hông lên. Phần từ hông trở xuống mắt cá chân là phần thân váy. Phần đặc biệt và đẹp nhất của váy Mường chính là cạp váy, do ba bộ phận dệt riêng rồi can lại với nhau. Phần trên cùng người Mường gọi là rang trên, có hoa văn trang trí là hoa văn hình học (hình thoi hoặc hình vuông), có chiều rộng gần 20cm. Rang trên có màu sắc chủ yếu là màu đen và trắng. Tiếp theo là rang dưới, được dệt với màu đỏ và vàng nổi trên nền đen với hoa văn hình động vật như: con rồng, con hươu (hươu đứng, hươu quỳ), con công, con phượng ... có các dải ngăn cách bằng hoa văn hình chong chóng. Phần cuối cùng của cạp nối với thân váy gọi là cao. Cao váy rộng từ 10cm đến 15cm được dệt các sọc màu, mỗi sọc to nhỏ khác nhau, có sọc mang hoa văn hình học, có sọc mang hoa văn hình cây cách điệu.
Thân váy được khâu nối với phần cạp (đầu váy) rồi khâu thành hình ống to gấp đôi thân người. Khi mặc người ta gập phần thừa về đằng trước. Thân váy chủ yếu được dùng màu đen hoặc xanh đen. Gấu váy phía bên trong có miếng vải nẹp lót, rộng từ 1,5cm đến 2cm nhuộm màu hồng, đỏ hoặc có hoa. Khi bước lên bậc cầu thang, khi đi, váy xập xoè theo nhịp bước, tăng thêm vẻ linh hoạt, uyển chuyển những bông hoa nhỏ thoáng ẩn, thoáng hiện dưới gót sen càng tạo nét hấp dẫn, dáng vẻ riêng của trang phục người phụ nữ Mường.
Đi đôi với váy là bộ tênh, có nơi còn gọi là đênh. Tênh làm bằng vải đũi, màu xanh hoặc màu vàng, dài hơn sải tay, khâu nối hai đầu, thắt đúng giữa eo trên nền cao váy, làm nổi eo người mặc. Bộ sà tích bằng bạc được móc vào tênh từ bên hông đeo vòng về phía trước nổi với hộp “ốc đào” và chùm vuốt hổ bọc bạc.
Màu sắc của bộ trang phục nữ dân tộc Mường tuy không chói chang, rực rỡ, nhưng nó đã đạt tới sự trang nhã, một vẻ đẹp riêng mang đậm tính cách của người phụ nữ Mường chân thành, trầm lắng, có cả sự vui vẻ và hết sức tinh tế. Chính điều đó đã tạo nên cho phụ nữ Mường nét duyên dáng, niềm tự hào khi khoác trên mình trang phục truyền thống./.
(Theo LangVietOnline)