Người Dao ở Lào Cai sở hữu một loại nhạc cụ vô cùng độc đáo, đó là chiếc trống có tang được làm từ đất nung kỹ thành sành, gọi là trống tang sành. Người Dao sử dụng trống tang sành chủ yếu trong các nghi lễ Cấp sắc, nhảy đồng, múa Pút tồng…
|
Trống tang sành không chỉ khác lạ về cấu tạo hình dáng độc đáo, âm sắc trầm, ấm, mà còn là biểu tượng trong đời sống tâm linh của đồng bào Dao.
Hình dáng của trống tang sành khác biệt hẳn so với các loại trống da trâu, da bò của người Kinh, người Tày. Trống có kích thước nhỏ, chiều dài trung bình từ 50 - 60 cm được chia thành 3 phần gần bằng nhau, ở giữa thóp lại, hai đầu phình ra (một đầu có hình dáng gần giống hũ rượu, đầu kia giống loa kèn). Khoảng cách từ giữa đến đầu thứ nhất dài khoảng 15 - 20 cm, phình tròn, đường kính 20 cm (kích thước mỗi trống không đồng nhất). Phần giữa tang trống cũng có chiều dài khoảng 20 cm, nhưng đường kính nhỏ, thuôn và bố trí từ 3 - 5 đường viền trang trí kiểu hoa văn nổi hình núi. Phần đầu tang trống còn lại dài khoảng 20 - 30 cm, loe dần ra như hình loa kèn, miệng loa kèn chính là mặt to của trống có đường kính khoảng 20 - 25 cm. Mặt trống được bưng bằng da thú, khi bưng mặt trống, phần còn thừa của da thú được níu về phía sau bằng các sợi dây và móc sắt. Quanh mép của hai mặt trống, bố trí từ 10 - 12 móc sắt vào mép. Các móc này được níu lại từ đầu nọ sang đầu kia bằng những sợi dây mây tạo thành một dải liên kết ôm quanh tang trống để kéo cho hai mặt trống căng ra, sau đó dùng các con níu bằng gỗ xoắn nhiều vòng ở giữa để níu mặt trống có độ căng theo ý muốn và tạo cho chiếc trống có hình thóp nhỏ ở giữa. Phần lông thú vừa dày, vừa mịn được giữ nguyên và bưng quay ra phía ngoài, còn mặt trong chỉ cần thuộc qua là được.
Ngày xưa, người Dao thường làm mặt trống bằng da hổ, báo, vừa bền lại vừa đẹp. Ngày nay, do da hổ, báo khan hiếm, người ta bưng bằng da dê, da bò. Người Dao còn có sách dạy cách đánh trống, có thơ bình về trống với nội dung: “Trống này biết đánh thì vui như hội, không biết đánh thì buồn như người đi rừng một mình”. Do cấu tạo và chất liệu của tang trống và mặt trống có sự khác biệt, nên khi đánh trống tạo ra âm sắc rất riêng. Tiếng trống thoát ra trầm ấm, bay bổng, vang xa, có lẽ do lớp lông thú trên mặt trống đã kìm giữ và điều hòa cho âm thanh không bị “nhọn” và thô. Tiếng trầm của mặt lớn đan xen với tiếng que gõ nhẹ bong của mặt trống nhỏ hòa cùng với tiếng thanh la, chũm chọe, tạo nên không khí rộn ràng và sôi động.
Người Dao thường dùng trống tang sành cùng với thanh la, chũm chọe tạo thành dàn nhạc gõ để phục vụ trong lễ, tết, hội và sinh hoạt đời sống văn hóa ở cộng đồng… Trống tang sành được người Dao coi là giá trị văn hóa vật thể, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong gia đình, dòng họ và là biểu tượng tâm linh. Tiếng trống biểu thị cho tình cảm của con người đối với tổ tiên với các thành viên trong cộng đồng dân tộc Dao./.
(Theo Báo Lào Cai)