- Ngày hội Văn hóa- Thể thao dân tộc Mông lần thứ nhất
- Cùng dự Lễ cưới người Mông
- Hà Giang tổ chức Festival khèn Mông lần đầu tiên
Nếu người Thái nổi tiếng với bức thổ cẩm rực rỡ thì người Mông cũng được nhiều người biết đến với những hoa văn lạ mắt được tạo thành từ sáp ong trên vải cùng nghề rèn truyền thống.
Nhiều nhà nghiên cứu đã thâm nhập tìm hiểu về nghề rèn của người Mông song kết quả thu được chưa khiến họ hài lòng. Người ta cho rằng người Mông giữ bí truyền. Thực ra không phải. Để có sản phẩm rèn tốt phụ thuộc vào kinh nghiệm của người thợ, mà kinh nghiệm ấy lại rất khó diễn tả bằng lời, nhất là với những thợ rèn bậc nghệ nhân ít biết tiếng phổ thông.
Thợ rèn Mông gõ lưỡi cày biết tốt hay xấu |
Tôi từng đến lò rèn của người Mông ở nhiều vùng khác nhau như Sa Pa – Lào Cai, Bắc Yên - Sơn La, Phong Thổ - Lai Châu để tìm hiểu về nghề rèn. Trong số những con dao mua được ở đó có cái tốt cái xấu. Điều đó chứng tỏ không phải người Mông nào cũng rèn được con dao tốt.
Những nghệ nhân rèn người Mông thường được sinh ra trong những gia đình có nghề rèn truyền thống. Ở những gia đình như thế, từ lâu lắm rồi, người con theo cha vào rừng tìm cây gỗ cho than tốt để rèn. Khi sản phẩm định hình, người cha chỉ cho con biết lúc nào có thể tôi để con dao cứng mà không ròn, dẻo dai mà sắc lẹm. Quá trình đó chỉ cảm nhận được bằng các giác quan (qua màu sắc, nhiệt độ, mùi vị…) chứ khó diễn đạt thành lời.
Nếu như người Kinh rèn bằng than đá thì người Mông rèn bằng than củi. Thông thường người Mông cũng tôi bằng nước, nhưng theo một số nghệ nhân thì tôi bằng thân cây chuối rừng là tốt nhất.
Than củi đề rèn |
Có nhiều loại cây cho than để rèn, song phổ biến là cây dẻ chua. Dẻ chua có mùi chua đặc biệt ở phần lõi và đun rất khó cháy. Người Mông chọn những cây dẻ chua già để hầm than. Đây là công việc công phu và tỉ mỷ.
Những sản phẩm rèn như dao, cuốc, cò súng…, sau khi định hình, thợ rèn cắm ngập vào thân cây chuối để tôi. Phải chăng cách dùng than củi (có nhiệt độ thích hợp) và tôi bằng thân cây chuối là một trong những nguyên nhân làm cho sản phẩm rèn của người Mông rất tốt.
Trước đây người Mông thường lấy nhíp xe ô tô, lò xo, mảnh bom để làm nguyên liệu chế tác các sản phẩm rèn. Những nguyên liệu đó vốn dĩ đã tốt, qua bàn tay tài hoa của thợ rèn Mông bỗng chốc biến thành những công cụ hết sức hữu dụng. Đó là những sản phẩm rất đa dạng nhỏ bé tinh xảo như bộ cò súng kíp, lưỡi dao gặt lúa nương cho tới lưỡi cày. Trước đây, ở những nơi hẻo lánh, họ còn rèn cả bu lông ốc vít để thay thế vào máy xát và xe máy Minsk.
Cái đe |
Lò rèn của người Mông không cầu kỳ, chỉ có một ụ đất làm lò, vài cục sắt to làm đe và một cái bễ. Đáng kể nhất là cái bễ. Nó cấu tạo như một cái bơm xe đạp khổng lồ nằm ngang. Cái bơm ấy được khoét ra từ thân cây đường kính khoảng 50 cm. Pít tông là một miếng gỗ tròn như cái thớt được gắn lông gà xung quanh để dễ dàng tịnh tiến trong lòng cây gỗ. Thay vì quay bễ xè xè như người Kinh, người Mông đẩy pít tông, rất nhẹ nhàng và không tốn sức.
Nếu không có con dao cái cuốc cái cày tốt thì người Mông không thể canh tác được ở những đỉnh núi cao, nơi chỉ có gió, mây mù và sỏi đá. Nếu không có khẩu súng kíp bắn trúng con thú từ xa thì người Mông không có thực phẩm cải thiện bữa ăn hàng ngày, thường chỉ có ngô và sắn. Mưu sinh khắc nghiệt như thế nên người Mông ngày càng hoàn thiện sản phẩm rèn của mình.
Con dao cắt lúa nương này có thể...cạo râu. |
Rèn được con dao tốt, cái cuốc, cái cày tốt nên người Mông đối xử như với một vật có linh hồn, có cuộc sống thật. Tôi chưa bao giờ mua được (cho dù với giá rất cao) con dao, khẩu súng của người Mông khi họ đeo bên mình, khi họ làm ra với mục đích không để bán.
Và hình như chỉ có người Mông mới có tập quán dán giấy cúng (đẩy tớ ua ninh) cho cái dao cái cuốc được nghỉ ngơi, được chơi như con người trong 3 ngày Tết./.