(Dân Việt) - Từ ngàn đời nay, đồng bào Ba Na ở buôn Kon Klor, phường Thắng Lợi (Kon Tum) vẫn gìn giữ công thức chế biến rượu gào, thứ rượu thiêng được mệnh danh là "anh cả" của các loại rượu cần.
"Rượu gào là rượu thiêng nên có thể để cả năm không hỏng. Để có một ghè rượu gào thơm ngon đúng tiêu chuẩn đòi hỏi ở người làm rất nhiều công sức và cả sự thành tâm..." - già Y Brang cho biết.
Cây gào được bà con trồng trên những vùng cao ráo vào khoảng tháng 4 - 6 để kịp đến tầm tháng 10 thì bông gào chín. Khâu thu hoạch gào cũng rất công phu, từ việc chọn cắt từng bông, gùi về, đập hạt, phơi khô, sàng sảy sạch rồi cất vào nơi khô thoáng để dành nấu rượu.
Hạt gào trước khi đem nấu rượu phải được ngâm nửa ngày rồi đãi sạch cám rồi mới cho vào nồi nấu. Gào sau khi đã được nấu chín thành cơm sẽ được tãi ra nia rồi đem ủ với men quả được làm từ vỏ và rễ của cây hiam trong rừng sâu, trộn cùng với ớt, riềng củ thái lát mỏng và một ít gạo, giã thành bột đem phơi khô chừng 3 ngày để quyện men rồi mới cho vào ghè.
Ghè rượu gào phải được đặt ở vị trí cao nhưng kín đáo trong nhà chừng hơn 1 tháng sau mới uống được.
|
Phụ nữ Ba Na bên ghè rượu gào.
|
Các nghệ nhân làm rượu kinh nghiệm trong buôn còn “bật mí” rằng, để rượu gào thêm ngon, thêm ngọt thì nên trộn thêm vào nguyên liệu nửa bát nếp đỏ hoặc nếp trắng và người làm rượu đương nhiên phải là phụ nữ, bởi theo quan niệm từ cổ xưa rằng, chỉ những bàn tay mềm mại, khéo léo của họ mới giúp làm tăng lên chất men nồng nàn, đắm say trong cuộc sống.
Trước ngày ủ men, giã cơm gào cả tuần, người phụ nữ được giao nhiệm vụ phải kiêng kỵ ăn chua, ăn đắng để đảm bảo cho rượu thơm ngon, không bị chua. Ngay cả những người thân trong gia đình nếu ai đã lỡ ăn chua, ăn đắng thì cũng không được lại gần chỗ làm rượu.
Trong các lễ hội truyền thống của người Ba Na như lễ cúng thần, lễ tạ mùa rồi hội buôn... không thể thiếu hương vị của rượu gào.
Vinh Minh