Vãn cảnh là một trong những thú bình sinh của người Việt, thể hiện trạng thái khoáng đạt, rộng mở, giàu tính chất hướng nội trước ngoại cảnh và tình yêu với tạo vật, thiên nhiên, phong tục. Ắt hẳn điều đó có nguồn gốc từ nhãn quan về vũ trụ (đại ngã) và cá nhân (tiểu ngã), về mối quan hệ luân chuyển, cải biến giữa hai phạm trù, đồng thời thể hiện tính chất phong phú trong đời sống tinh thần của cư dân nông nghiệp lúa nước vốn coi Nho, Phật, Lão là “tam giáo đồng nguyên”.
Chính sử và dã sử đã ghi lại nhiều cuộc tuần du thưởng ngoạn núi sông, chùa chiền của vua, quần thần ngày trước vào lúc thiên hạ thái bình. Đại Việt Sử ký toàn thư chép: “Vua Lý Thánh Tông có thu đi chơi khắp các chùa quán, xa giá đi đến đâu con trai con gái đổ xô đến xem không ngớt”. Nhờ có các chuyến du ngoạn cảnh chùa mà nhà vua đã gặp người con gái hái dâu, phong làm hoàng hậu Ỷ Lan phu nhân. Thú vui thăm chốn bồng lai còn được các vị vua chúa ngày trước làm thơ, để lại bút tích trên đá, chẳng hạn như Chúa Trịnh Sâm ca ngợi động Hương Tích là “Nam Thiên đệ nhất động”. Ngày nay, mặc dầu đời sống tinh thần phát triển phong phú song tính chất “vãn” trong các cuộc đi, nhất là đến chùa chiền gần như đã mai một, hoặc pha trộn với tính chất vụ lợi trong mỗi cá nhân.
Theo thống kê, nước ta có khoảng 8 nghìn lễ hội lớn nhỏ, trong đó tập trung chủ yếu vào tháng Giêng. Tháng Giêng, người Việt hầu hết đều đi đền, chùa. “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”! Ngày trước, cha ông ta đến đền, chùa cốt nhất là để hướng tới các vị thần linh được thờ phụng, trong đó nhiều nhất là các vị thành hoàng. Dưới thời phong kiến, việc thờ phụng hầu hết đã được tổ chức một cách bài bản, có quy định rõ ràng. Chẳng hạn như việc thờ cúng tại đền Sắc (Thạch Lạc, Thạch Hà), ngôi đền gắn với Di chỉ Cồn Sò, thờ thần Tam Lang, thời nhà Lê, triều đình đã lập “Phụng Ban Quốc tế” tổ chức tế lễ rất trịnh trọng. Cùng với việc hướng tới các vị thần, cha ông đến đền, chùa cũng là dịp thưởng lãm cảnh thanh tịnh vì đa phần đền, chùa đều nằm ở địa thế đẹp, phong thủy hữu tình.
|
Hương Tích tự |
Chứng kiến cảnh tấp nập đi đền, chùa đầu năm những năm gần đây, tôi nhận thấy, tâm lí đến đền, chùa ngày nay đã thay đổi. Nhiều hiện tượng tiêu cực nơi đền, chùa đã nảy sinh, rõ nhất là cảnh chen lấn, xô đẩy dâng nhiều lễ vật cồng kềnh, khẩn cầu được phù hộ, chở che, làm ăn phát đạt, con cái học hành tấn tới. Cùng với việc chen lấn dâng lễ lên các điện thờ, nhiều nơi còn diễn ra cảnh chen chúc làm lễ, tụng niệm hàng giờ dài. Trớ trêu thay, một thánh điện mà nhiều thầy tụng niệm, khấn vái!! Tình trạng này thường xảy ra ở những ngôi đền, chùa thiêng như đền Bà Hải, chùa Hương Tích, Đền Củi… Đức Phật từng dạy: “Vạn pháp duy tâm tạo”, có nghĩa mọi phép ứng xử đều do tâm tạo nên, đồng thời, Đức Phật nhấn mạnh chữ Đức. Đức có nhiều nghĩa, nếu chiết tự (chữ Đức tạo thành từ 3 chữ là chữ sách (bước đi, hành động), chữ trực (chính trực) và chữ tâm) thì chữ Đức nghĩa là sống thực với chính mình, làm đúng lương tâm mình. Tâm và Đức là nguồn gốc của mọi vấn đề, nhất là vấn đề tâm linh. Vậy, có tâm thì đến cửa chùa, thắp hương, vãn cảnh, để tịnh tâm, phù thiện, diệt ác. Đó là gốc của Phật, là con đường chân tu của Phật. Phật pháp nhằm phổ độ chúng sinh, tẩy rửa tội lỗi bụi trần cho con người, chứ không phải ban phúc, giúp tài, lộc. Cả 2 lí lẽ trên cho thấy, việc đến đền, chùa ngày nay của nhiều người đã trở nên xa lạc với giá trị cổ truyền do chính cha ông ta tạo dựng.
|
Khách thập phương đi lễ chùa Hương |
Cùng với việc làm lễ linh đình, dâng nhiều lễ vật, tình trạng “quá tải” của các điện thờ, sân chầu, các bát hương cũng xảy ra thường xuyên. PV báo Hà Tĩnh đã kịp “chụp” lại nhiều hình ảnh không đẹp tại đền Bà Hải khi nhiều người cứ mặc nhiên đốt hương, cắm hương không đúng nơi quy định, miễn sao thắp hương đúng cõi thiêng. Tôi thiển nghĩ, chẳng hiểu thần linh có phù hộ cho họ? Tình trạng phổ biến của việc tập trung đông người là sự lộn xộn, thải rác hết sức tùy tiện. Tình trạng này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng xấu đến hình ảnh các chốn du lịch tâm linh, vốn là một trong những điểm thu hút nhiều du khách.
Ngày xưa vua chúa thưởng ngoạn chủ yếu bằng phương tiện thô sơ như thuyền, voi, kiệu (có 2 loại: Cửu Long dư (kiệu 9 rồng) và Thất Long dư (kiệu 7 rồng), ngày nay, phương tiện giao thông đã phát triển đa dạng, người dân đã có thể đi được hầu hết mọi nơi. Tuy nhiên, thái độ ứng xử với chốn thờ tự, với thiên nhiên, ngoại giới thì không phát triển tương ứng, thậm chí, xuất hiện ngày càng nhiều hiện tượng tiêu cực, hiểu sai các giá trị gốc. Rõ ràng, đây là một trong những ứng xử cần phải được điều chỉnh trong thời gian tới để chốn thâm nghiêm mãi là nơi thanh tịnh, yên ắng, tẩy rửa bụi trần.
TRUNG DÂN
theo hà tĩnhonline