- Tới Côn Sơn, xem thi gói bánh chưng, giã bánh dầy
- Côn Sơn - Kiếp Bạc: sức hấp dẫn của lễ hội truyền thống
- Côn Sơn – Kiếp Bạc tấp nập mùa lễ hội
Từ trò chơi con trẻ…
Tại các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, pháo đất là trò chơi dân gian gắn liền với tuổi thơ của trẻ em nông thôn. Trong những ngày nông nhàn, các em nặn pháo đất bằng khoảng bàn tay để chơi và đấu với nhau, thường phân định thắng thua bằng việc quả pháo bị thủng ở giữa nhiều hay ít. Trước khi gieo đất, trẻ em hát đồng dao rằng: “Pháo nổ nồi rang. Cả làng nghe thấy”. Câu hát này vẫn tồn tại cho đến mãi về sau.
Nguyên nhân để pháo đất trở thành trò chơi của người lớn, phổ biến trong các lễ hội làng được lý giải trong truyền thuyết của xã Minh Đức (huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương). Rằng vào thời Hai Bà Trưng đánh giặc, giữ nước, khi các tướng của hai Bà mang quân truy đuổi giặc qua địa phương, thấy trò chơi lạ liền tổ chức cho binh lính chơi. Pháo nặn càng to tiếng nổ càng lớn. Họ liền cho binh lính nặn pháo cực to, gieo xuống tiếng nổ âm vang làm cho kẻ thù khiếp sợ. Sau này, pháo đất trở thành trò chơi truyền thống, để kỷ niệm những ngày đuổi giặc và rèn luyện thân thể cho thanh niên trai tráng làng quê.
Các đội pháo thủ tập trung khai mạc hội thi. Hội thi năm nay có gần 200 pháo thủ tham dự. Trước khi thi đấu, đại diện các đội và trọng tài đều phải lên hứa sẽ thi đấu minh bạch, hết mình, chấm điểm công bằng. |
Nếu như trò chơi pháo đất của trẻ em đơn giản, dễ làm vì kích cỡ nhỏ thì pháo đất dùng thi đấu được tạo ra khá kỳ công. Anh Nguyễn Hữu Lăng, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Đức dẫn đội đi thi đấu lần này cho biết đất làm pháo là yếu tố quan trọng quyết định phần lớn sự thắng cuộc nên việc làm đất rất cầu kỳ.
Ở Minh Đức đất pháo được chọn là đất ở khu vực triều bãi, đất thịt không lẫn tạp chất. Trước mỗi mùa lễ hội, các đội pháo phải thăm đất, chọn chỗ, làm lễ xin phép thổ địa, thổ thần. Sau khi lấy về, đất được lọc bỏ hết tạp chất, được nhồi, nặn theo kí quyết riêng của từng thôn để được loại đất vừa dẻo vừa mịn, không dính tay để làm pháo. Sau mỗi lần thi đấu, đất được gói kín, chôn xuống đất để mùa sau lại đào lên vì công làm đất rất vất vả, khó khăn.
...Đến hội thi rộn ràng
Nhiều địa phương có hội thi pháo đất như Thái Bình, Hải Phòng… song có lễ các hội thi pháo đất rầm rộ nhất là tại Hải Dương. Các huyện như Bình Giang, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Ninh Giang… đều có hội thi trò chơi này, có hội thi quy mô cấp huyện, có những hội thi cấp xã, cấp thôn. Còn hội thi toàn tỉnh đã được tổ chức 3 năm nay.
Xuất phát từ trò chơi con trẻ nên các hội thi pháo đất rất vui, các đấu thủ đều hồn nhiên, thi đấu hết mình mà không nặng tính ăn thua. Tại các hội thi của thôn, xã, phần thưởng cho đội thắng cuộc rất đơn giản: là chiếc khăn bông, lá cờ, chai rượu… mà ai cũng hào hứng, phấn khởi. Còn tại hội thi cấp tỉnh thì cơ cấu giải thưởng dành cho tất cả các đội, đội nào cũng có thành tích mang về.
Pháo nổ đẹp được tính bằng khoảng cách văng ra của "mông con" (phần viền ngoài của pháo) |
Cách tính điểm của “pháo đất người lớn” cũng khác với “pháo đất trẻ con” ở chỗ thành tích được đo bằng khoảng cách giữa hai đầu “mông con” của pháo (tức là phần viền ngoài của pháo khi đánh sẽ bung ra). Khi gieo xuống có tiếng nổ nhưng không văng mông con ra hoặc có văng mông con ra nhưng không đủ kích thước quy định của ban tổ chức thì không được tính điểm.
Thường mông con văng ra phải được hai thước ta (khoảng 80cm) mới được tính và được gọi là pháo ra. Pháo đánh xuống, mông con văng ra nhưng bị đứt đoạn gọi là pháo bị bổ, pháo đánh xuống nằm im gọi là pháo xịt đều không được tính điểm.
Tại Lễ hội mùa xuân Cơn Sơn – Kiếp Bạc 2013, Hội thi pháo đất (diễn ra ngày 25/2) đã thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách. Mỗi khi pháo thủ chuẩn bị gieo pháo là tiếng hò reo cổ vũ vang lên. Pháo gieo xuống rồi thì tất cả lại hồi hộp chờ trọng tài đo khoảng cách giữa hai đầu "mông con". Độ dài từ 6 thước ta trở lên cho mỗi quả pháo đều nhận được phần thưởng từ ban tổ chức. Đồng thời, khán giả xem thi đấu cũng có phần thưởng khích lệ, động viên pháo thủ.
Khi được giữ gìn và tổ chức thì các trò chơi dân gian vẫn đầy sức hấp dẫn như thế./.
Một số hình ảnh về Hội thi pháo đất tỉnh Hải Dương lần thứ 3./.
Các pháo thủ đang nhồi đất |
Việc nặn pháo vừa cần tới sức khỏe vừa cần sự khéo léo |
Khi bắt đầu nâng pháo, cả đội phải cùng nâng vì mỗi quả phảo này nặng khoảng 65kg |
Nhưng chỉ một pháo thủ được gieo trực tiếp quả pháo |
Các pháo thủ gieo pháo trong tiếng reo hò cổ vũ nhiệt tình của khán giả |
Pháo nổ đẹp là mông con phải đứt rời hoàn toàn như thế này. Quả pháo này hai đầu mông con cách xa nhau tới 9 thước (3,6m) |