Huyền thoại về ông tổ lò vật Tam Trinh
Với người dân Mai Động, cuộc đời vị tướng Tam Trinh trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là một huyền thoại. Cuốn thần phả hiện còn lưu giữ ở đình Mai Động, do Hàn lâm viện học sĩ Nguyễn Bính viết năm 1572 kể về công tích của tướng Tam Trinh: "Một hôm, Tam Trinh sang tới đất Mai Động, huyện Thanh Đàm, phủ Thường Tín. Thấy dân còn lạc hậu, ít nghe tới chuyện học hành, ông liền mở trường dạy học bên bờ sông Kim Ngưu để dạy chữ và lễ nghĩa cho mọi người, được mọi người mến phục".
Hội vật làng Mai Động. Ảnh: Hà Nội
|
Sau này, khởi nghĩa Hai Bà Trưng nổ ra. Tam Trinh ngày đêm rèn luyện quân sỹ, tất cả được hơn 5.000 người. Ông lập đội quân tại Mai Động rồi hội quân với Hai Bà, xin được đánh giặc.
Trưng Nữ vương thấy ông tài giỏi, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, bèn giữ lại để bàn việc quốc sự, lại phong cho ông chức "Đô úy", cử ông làm tiên phong đánh thành Luy Lâu đuổi giặc Tô Định.
Sau đó, theo lệnh của Trưng Nữ vương, ông cho lính lắp 65 thành trì, khôi phục lại bờ cõi nước Nam. Trưng Nữ vương ở ngôi được 3 năm, trong thời gian này, Tam Trinh ở tại Mai Động.
Mã Viện đem quân sang chiếm lại nước ta. Tam Trinh đem quân ra biên ải đánh giặc. Đánh nhau ở đây một thời gian không phân thắng bại, ông lui quân về Mai Động. Giặc tràn tới Mai Động, tấn công ồ ạt nhưng quân Tam Trinh cự chiến rất mãnh liệt. Đến bên bờ đường, chỗ có nhiều gò đống, ông nghe tin Trưng nữ chủ đã mất, bèn ngửa mặt lên trời mà than rằng: "Than ôi! Cơ đồ vua Trưng đã mất, bầy tôi cũng xin về trời". Nói xong, ông bèn cưỡi ngựa lên núi mà mất.
Ông mất ngày mùng 10 tháng 2 năm 43, thọ 63 tuổi. Dân làng Mai Động dựng đền thờ cúng ông. Sau này, vua Lê Đại Hành thấy ông hiển linh bèn gia phong: "Nam Sơn Tam Trinh Đại vương".
Ở đình - nghè Mai Động, trước đây có trên 30 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến phong tước "Đại Vương Thượng Đẳng thần" cho tướng Tam Trinh. Hiện vẫn còn 13 đạo sắc với các niên hiệu Cảnh Hưng 44 (1783), Chiêu Thống năm thứ nhất (1788), Quang Trung thứ tư (1791), Cảnh Thịnh thứ hai (1794)…
Gìn giữ nét đẹp hội vật làng
Người truyền dạy nghề đầu tiên thì được tôn vinh là tổ nghề và được thờ phụng truyền đời. Ông tổ nghề vật Tam Trinh với ngôi đình Mai Động luôn được nhắc đến với vị trí đặc biệt. Với những giá trị về lịch sử, văn hóa nghệ thuật, di tích đình và nghề Mai Động, nơi thờ phụng vị tướng Nguyễn Tam Trinh đã được UBND quận Hoàng Mai tu bổ tôn tạo, hoàn thành dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Năm 2013, với sự quan tâm của Quận ủy - HĐND - UBND quận Hoàng Mai, lễ hội và giải vật truyền thống phường Mai Động được nâng lên thành lễ hội cấp quận.
Có thời, hội vật Mai Động được coi là lớn nhất miền Bắc, qua thời gian vẫn giữ được sức hấp dẫn riêng. Đã có nhiều bài viết về hội vật Mai Động, gây ấn tượng đặc biệt là bài viết của nhà văn Vũ Bằng trong "Thương nhớ mười hai": "Tôi thích mơ về một thuở thanh bình xưa cũ đi về Mai Động xem thi vật. Bây giờ ngồi nghĩ lại những tay đô ấy, thực quả tôi không biết bắt đầu từ đâu và nói thế nào cho hết được cái mê say, cảm phục của tôi hồi đó. Tôi chỉ biết rằng: Nếu tôi nhắm mắt lại, đến tận bây giờ tôi vẫn còn mường tượng được cái màu da đỏ như táo tàu của họ, những bắp thịt ở tay lúc thường mà chạy đi chạy lại như con chuột và cái bụng lép kèm kẹp cũng có những bắp thịt chạy dọc chạy ngang và tôi nhớ cả nữ đô Tô Thị Hằng vật nhau một buổi với chín đô đàn ông bằng những phép "cuốn chỉ" , "ra rang", "vào tay tư", "bắt bò"… biến hóa như thần mà đến lúc lĩnh giải vẫn cười nói thong thả như một người mới đi chơi về"…
Theo truyền thống, vào sáng mùng 4 tháng Giêng, sau khi rước kiệu mời thánh về đình dự hội làng là khai mạc lễ hội đầu xuân và dâng hương lễ thánh. Từ chiều mùng 4, tại sân đình Mai Động diễn ra giải vật truyền thống. Theo lệ, từ chiều mùng 4 thiếu nhi đấu giải lèo, sau đó các đô vật từ nhiều nơi đến đấu chọn các giải ba, chiều mùng 5 sẽ chọn các giải nhì và mùng 6 sẽ tranh giải nhất. Năm nay, hội vật Mai Động thu hút hàng trăm đô vật của nhiều quận, huyện Hà Nội và các tỉnh, thành khác tham dự.