Tiếp xúc hơi nước nóng mấy ngày liền, đôi bàn tay cô gái đôi mươi rộp lên. Vớt bánh xong quay ra xoay lạt buộc bánh cho nồi kế tiếp.
Lá dong được mua về từ độ mùng 12-13 tháng Chạp
Nhọc nhằn phụ nữ làng bánh chưng
Không chỉ Hương, từ đời mẹ Hương, bà Hương, con gái làng này ai ai cũng thế. Họ kế nghiệp cha ông tiếp nghề làm bánh chưng. Làng bánh chưng Tranh Khúc, xã Duyên Hà, Thanh Trì, Hà Nội nức tiếng thơm từ bao đời nay. Đi qua đường Quốc lộ 1A đông đúc, bên kia triền đê con sông Hồng, những cánh đồng xanh mướt màu lá chuối hiện ra, đấy là xã Duyên Hà.
Hỏi đường vào làng nghề bánh chưng truyền thống, ai ai cũng chỉ lối rẽ vào cổng làng Văn Uyên. Văn Uyên xóm trên, Tranh Khúc xóm dưới, là nơi lưu giữ hương vị bánh chưng cổ truyền. Hai làng không làm nông nghiệp, từng thửa ruộng được khoán cho dân Hà Nam, Hưng Yên trồng chuối, đào ao thả cá, chăn vịt. Con cháu lớn lên hoặc đi học xa hoặc là tiếp nghề cha truyền con nối.
5h sáng, những con xe Club 81 ì ì, cố sức ủn lên con dốc, men theo triền đê trong màn sương, chở bánh chưng đi vào trung tâm thành phố. Đấy là đàn ông, đi giao bánh ở những mối lớn, xa. Những bà, những chị í ới gọi nhau, tất tả bê thúng, quảy gánh ra chợ ngồi bán quà sáng. Ngồi quán nước cổng làng, xế trưa tôi mới “bắt” được cô Huê đang nhướn chân đạp chiếc xe về nhà.
Theo chân cô về nhà, cô vừa nói vừa thở: “Quà sáng người ta cũng không ăn nhiều như bận trước nữa rồi, ế ẩm quá”. Dựng xe góc sân, cô kéo tay tôi: “Đây, vào rửa lá cùng cô cho biết”.
Độ mùng 10 tháng Chạp, lá dong đã nườm nượp từng xe từ mạn Thái Nguyên, Yên Bái, cho đến Thanh Hóa, Nghệ An, cả đất bạn Lào đổ cả về làng.
Lá dong có nhiều loại và giá cả cũng theo chất lượng mà leo thang. Ngày tết lá dong tăng lên 2 – 3 giá so với ngày thường. Năm ngoái lá dong ở mức 65 – 70 nghìn/100 lá. Năm nay, giá độn lên gần như gấp đôi. Chủ lái buôn lá dong có khi “hét giá” lên tới 100 – 120 nghìn đồng/100 lá. Nhà bánh cũng phải nhũn nhặn mà “vâng, thế bác để lại cho nhà em”. Khách đặt không khớp số lượng là “chỉ có khóc nấc vì không có lá dong”.
Rửa sạch và xếp là dong là công đoạn chiếm tới một nửa thời gian cho ra đời chiếc bánh chưng. Vì vậy, qua rằm tháng Chạp, khách có đến đặt đơn hàng số với lượng lớn cũng không gia đình nào dám nhận, do từ 12 tháng Chạp là không còn mối nào đưa lá dong nữa.
Đỗ được nấu chín và nắm lại với thịt ba chỉ
Ngồi chải từng mặt lá dong trong cái bể to chứa đầy nước, tay người tê cứng và đỏ ửng vì lạnh. Có thế mới biết, nỗi nhọc nhằn của các chị, các bà làm nghề này ngày giáp tết.
Chỉ đến chứng kiến tận nơi mới thấy rõ nỗi nhọc nhằn và từng công đoạn tỉ mỉ để tạo nên một chiếc bánh chưng. Những ngày ít ỏi cuối cùng của năm cũ, mười ba, mười bốn nhân lực tập trung ở nhà ông Thiệp làng Văn Uyên cùng gói bánh trả đúng hạn cho khách.
Ông Thiệp trầm ngâm nhớ vụ tết năm ấy, gia đình ông bắt đầu hợp đồng làm bánh giao cho Siêu thị BigC: "Thuê 16 người mà khối lượng bánh chưa gói vẫn còn nhiều, làm ngày, làm đêm. 3 – 4 ngày liền tôi không kịp đánh răng, rửa mặt, không ngủ, chỉ ăn và gói bánh. Cô thợ đứng đãi gạo nếp trong một cái bể rất to, do kiệt sức vì thiếu ngủ, đã gục mặt xuống bể nước mà ngất đi. Nói dại, lúc đó mà đang đứng vớt nồi bánh chưng thì hỏng, hỏng bét!”.
Gạo nếp, đỗ và thịt được gói trong 6 lớp lá dong
Nhưng những việc tỉ mẩn như chọn gạo, đãi gạo, ngâm gạo không thể để đấng đàn ông làm được, “nhà này, mấy chục năm nay, đều một tay cô quán xuyến hết”, cô Huê vừa đổ gạo vào thúng vừa tiếp. “Bánh chưng là phải gói bằng nếp nhung, nhưng bây giờ nếp nhung cũng bị trộn nhiều, không tinh thì coi như ăn gạo loại 2, loại 3”. Gạo nếp trên thị trường thì muôn hình vạn trạng, nhiều loại với nhiều mức giá khác nhau, kinh tế ngày càng khó khăn, người ta tìm đủ mọi cách để tăng thêm lợi nhuận, bất chấp chất lượng sản phẩm.
Hành trang gái làng bánh đi làm dâu xứ người
“Nó mà gói bánh chưng thì cứ cả làng kéo đến mà xem!” – Ông Thiệp cười khà khà chỉ cô gái đang ngồi chắp bằng chân gói bánh. Linh Anh là cô con gái út của ông Thiệp. Nhà không có con trai, hai cô chị thì đi làm “người Nhà nước”, bao nhiêu tinh hoa, “ngón võ nghề” ông đều truyền dạy cho cô gái ngoài hai mươi này. “Câu nói của bố là vì tết năm ngoái, em mới về làm dâu và nhận việc gói bánh cho gia đình chồng”.
Vừa chạy bán hàng, đã 29 tết mớ lá dong, lạt, thịt ba chỉ, gạo, đỗ cứ vẫn còn nguyên. Mẹ chồng giục quáng quàng quàng: “Giờ chưa gói thì khi nào có bánh chưng cúng tất niên!”. Chiều tối 29, nhờ được người trông hàng, Linh Anh chạy “ù” về bắt đầu gói bánh. Móng tay được cắt tỉa gọn ghẽ. Ngón tay thoăn thoắt gấp lá, rồi đổ gạo, đổ đỗ, bỏ thịt, đôi ba thao tác là chiếc bánh đã được buộc lạt. Cả nhà ố á, hàng xóm xúm đen xúm đỏ đến xem, chưa đầy 40 phút, 20 chiếc bánh được hoàn thành, xếp gọn và chờ cho vào nồi. Cô nàng lại tất tả chạy ra dọn hàng về.
Cô Huê gốc người làng Vạn, làm dâu và học được nghề gói bánh chưng
Với người trong nghề, ăn miếng bánh là biết được những cố công của nghệ nhân.
Bánh chưng truyền thống được gói bằng lá dong, tính đến bánh là gồm 6 lớp lá. Sau khi luộc đủ 10 tiếng bằng bếp củi hoặc than, vỏ ngoài bánh sẽ có màu xang nhạt bắt đầu ngả vàng dạ, tùy độ khô dần của lá. Lá nhường hết sắc xanh sang cho gạo. Bánh chưng khi bóc ra, lớp gạo ngoài cùng có lớp màng mỏng xanh như màu lá dong. Nhưng bên trong vẫn là màu trắng nồng của nếp nhung. Nếp nhung khi nấu thành bánh chưng, ăn sền sệt, dẻo dính và đậm đà hơn nếp cái hoa vàng.
Với tất cả những vốn liếng sống và say nghề như con ong, Linh Anh được gia đình chồng quý mến và nể phục. Ai cũng yêu, cũng quý cô con dâu vừa chăm, vừa hiền.
Con gái nối tiếp mẹ
Từ tấm bé những cô gái như Linh Anh lớn lên cùng với chiếc bánh chưng, lấy lá dong làm thuyền. Lo chạy chợ bán hàng, lo thu vén sắp xếp công việc trong những ngày làm bánh cao điểm… Tất cả đã tạo nên hàng trang thật quý cho những cô gái làng nghề làm dâu xứ người.
Những ngày cuối năm, người người mong ngóng nghỉ tết, nhà nhà mua sắm đồ đạc. Những cô gái đảm xóm Uyên, xóm Tranh, cũng ngóng tết nhưng với sự âu lo và toan tính. Sắp xếp công đoạn làm bánh để kịp giao trả cho khách hàng.
Bánh chưng được cho vào những thúng to và đưa vào nồi
Bánh chưng Tranh Khúc, Than Uyên, Phú Thượng được tỏa ra khắp nơi. Từ những khu chung cư đông đúc, các nhà hàng sang trọng, tới các thành phố, từ Bắc chí Nam. Người Việt coi trọng căn bếp nhất trong ngôi nhà, trong ấm ngoài êm đều do một tay người phụ nữ đảm trách. Giữ gìn ngọn lửa làng nghề cũng thế, hơn ai hết, chính là các bà các chị là người ngày đêm canh lửa giữ hồn bánh chưng tự thuở vua Hùng lại cho ngàn đời.