Một bát Coóng phù nóng hổi, có mùi thơm ngọt của mật mía, mùi cay nồng của gừng, vị bùi của lạc, hương thơm của gạo… sẽ là món ăn không thể quên trong mùa đông vùng cao.
Nếu có dịp lên các tỉnh miền núi phía Bắc: Lạng Sơn, Cao Bằng vào mùa đông, trong tiết trời lành lạnh, ngồi bên bếp lửa bập bùng và thưởng thức bát Coóng phù nghi ngút khói, hẳn sẽ không bao giờ quên được hương vị của nó.
Có thể bạn sẽ thắc mắc, Coóng phù là món gì mà hấp dẫn đến vậy? Xin thưa ngay, nó cũng không xa lạ gì, bởi theo tiếng Tày, Nùng, Coóng phù (cũng có nơi phát âm là thoóng phù) có nghĩa là bánh trôi.
Thực vậy, thoạt nhìn, Coóng phù cũng không khác bánh trôi của miền xuôi là mấy. Và cách làm thì cũng tương tự bánh trôi. Cũng là gạo nếp xay thành bột nước, đựng trong túi vải cho róc hết nước rồi nhào bột cho dẻo, gói nhân, vo viên rồi thả nước sôi… Bánh ăn đến đâu, thả vào đến đó, không được để nhừ. Nhưng khác với bánh trôi nhân là đường phên cắt thành từng viên, nhân Coóng phù được làm khá cầu kỳ. Khi thì làm bằng lạc rang giã nhỏ rồi nấu với đường đỏ; khi lại làm bằng đỗ xanh nấu chín trộn đường kính.
Nhưng nếu chỉ như vậy thì chẳng có gì lạ, bởi suy cho cùng thì Coóng phù cũng chỉ là một dạng bánh trôi mà thôi.
Bạn hãy cùng tôi tưởng tượng nhé. Đêm mùa đông miền núi, những ngọn đèn đường như mờ đi vì sương giăng, luồng gió lạnh hun hút thổi, sà vào hàng Coóng phù ngay dưới mái hiên thưởng thức bát bánh nóng hổi bên bếp lò đỏ hồng ấm áp thì còn gì thú vị bằng.
Những viên Coóng phù trắng tinh được cô hàng bánh nhẹ nhàng thả vào nồi nước đường sủi tăm nghi ngút khói, ngào ngạt mùi thơm của mật mía, mùi cay nồng của gừng… Khi những chiếc bánh nổi lập lờ, cô bán hàng thong thả vớt vào bát, chan nước đường, tươi cười mời khách.
Một điều thú vị nữa khi thưởng thức Coóng phù nơi phố núi, ấy là được chứng kiến đôi bàn tay tài hoa của cô hàng bánh. Cũng vẫn là những viên bột cho vào giữa hai lòng bàn tay, xoay đều cho tròn bánh, nhưng không phải ai cũng dễ dàng xoay 2 - 3 viên bánh cùng một lúc; người làm càng thạo, số viên bánh trên tay càng nhiều.
Theo chị Hoà, chủ quán Coóng phù ở chợ đêm Kỳ Lừa, Lạng Sơn - các “bạn đồng nghiệp” và nhiều khách hàng quen gọi thân mật là Hoà Thân, nước chan bánh được làm từ mật mía, đủ ngọt, sánh, bỏ thêm nhánh gừng giã nát. Gừng bỏ ít thôi, một nhánh gừng nhỏ đã đủ cay cả nồi, tạo hương vị thơm cay rất đặc biệt. Nếu ăn lần đầu, chắc hẳn ai cũng ấn tượng bởi vị cay đó.
Mùa đông đến được thưởng thức món bánh dân dã mà nồng đượm hương vị quê hương có lẽ là điều nhiều người đã từng thưởng thức ao ước. Nghĩ đến mà đã thấy đâu đây hương vị bánh trôi phảng phất đến nao lòng.
(Theo LangVietOnline)