Từ đất Tam Lư (Từ Sơn, Bắc Ninh) đã có không ít nghệ nhân lừng danh đến với Nhà hát Tuồng VN như cụ Ba Tuyên, hai anh em Nguyễn Đắc Hán, Nguyễn Đắc Nhã... Nhưng đó chỉ là thế hệ nghệ nhân vang bóng một thời.
Như diều vắng gió
Suốt những ngày tiếp xúc với các nghệ nhân yêu tuồng ở đây, chúng tôi mới thấy hết tình yêu và niềm đam mê nghệ thuật cháy bỏng của họ dành cho môn nghệ thuật này. Vậy nhưng, tuồng Tam Lư vẫn đang từng phút rơi xuống như cánh diều không gặp gió.
Cảnh trong vở “Khát vọng sống” của đội tuồng Tam Lư
|
Gặp NSƯT Nguyễn Đức Tú- Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tuồng Tam Lư, anh kể: “Không biết tuồng Tam Lư có từ bao giờ, chỉ nghe các cụ kể lại, tiếng trống phách của những gánh tuồng Tam Lư đã nổi danh từ xa xưa. Ông ngoại tôi, cụ Ba Tuyên, là một kép tuồng nổi tiếng từ thời phong kiến đã cùng anh, chị em của cụ tham gia nghệ thuật sôi nổi. Tôi còn nhớ, thời đó, hễ màn đêm buông xuống, tiếng trống tập tuồng lại rộn rã làng quê, dân làng đến xem đông chẳng khác gì biểu diễn thật. Lớp trẻ chúng tôi hào hứng lắm, tối làm xong bài tập là rủ nhau đến nơi tập trước cả diễn viên. Chúng tôi bắt chước, thuộc lời rất nhanh. Ban ngày những hôm được nghỉ học lại rủ nhau diễn tuồng cũng phân vai rồi theo những điệu bộ của các bác, các chị tập hôm trước”.
Đoàn Tuồng Tam Lư biểu diễn ở đâu, người xem dù phải mua vé cũng đến chật kín sân. Lâu dần, các cụ có tuổi, lớp nghệ sĩ gạo cội vơi dần theo tuổi tác, lại đúng vào những năm xóa bỏ bao cấp, nên giai đoạn 1984-1991, tuồng Tam Lư không được nhắc đến. Sau này, mãi đến năm 1992, khi Đoàn Tuồng Hà Bắc bị giải thể, các nghệ sĩ của Tam Lư đã về lại quê hương, cùng nhau tái lập đoàn tuồng.
Đã biết bao nhiêu mùa hội diễn đoàn tham gia, những lần “mang chuông đi đánh xứ người”, Tam Lư đều mang về những thành tích ấn tượng. Trong 3 lần tham gia hội diễn toàn quốc, Đoàn Tuồng Tam Lư đều đoạt Nhất, Nhì toàn đoàn; các lần tham gia Hội diễn sân khấu tỉnh đều đoạt Huy chương Vàng, Bạc. Từ thành công của những lần tham dự liên hoan đã khích lệ đoàn hoạt động mạnh hơn. Để các vở tuồng cũng mang hơi thở của thời đại, anh Tú đều vận dụng từ những vở cổ để sáng tác các vở gắn với những vấn đề nổi cộm của cuộc sống, không chỉ mang tính giải trí, mà còn có tính giáo dục cao hơn, như “Khát vọng sống”, “Tuổi trẻ Nguyễn Văn Cừ”...
Da diết lắm, tuồng ơi!
Thế nhưng, đến bây giờ, số phận của Tuồng Tam Lư cũng chỉ tồn tại mong manh như cánh diều trước gió bão. Nguyên nhân vẫn bởi thiếu diễn viên, thiếu nhạc công như trước và sự bùng nổ của các loại hình giải trí mới. Nhớ hôm đến thăm NSƯT Nguyễn Đắc Hán- một trong những tay trống tuồng lão luyện đất Bắc xuất thân từ Tam Lư, ông bảo: “Tôi trăn trở lắm, giờ đây, mỗi khi xem ti vi thấy các chương trình nghệ thuật truyền thống cứ thưa dần. Chúng ta giờ có điều kiện kinh tế hơn bao năm về trước, sao chúng ta không quan tâm tới giá trị truyền thống? Đất nước giàu có hơn nhưng nhìn lại, bao giá trị truyền thống đã dần biến mất. Thật đáng buồn”.
Anh Đức Tú bày tỏ: “Ở Đông Anh (Hà Nội) đã rất thành công khi đưa sân khấu truyền thống vào học đường, chúng tôi rất mong chương trình đó được thử nghiệm ở Bắc Ninh, để giới trẻ có thể hiểu và yêu môn nghệ thuật này”.
Còn chị Hương- vợ anh Tú- cũng là một trong nhiều nghệ sĩ đắm đuối với nghệ thuật tuồng Tam Lư từ những ngày đầu, nói nghẹn giọng: “Vợ chồng tôi cũng vì quá yêu tuồng, say mê tuồng mà làm, chứ có ai sống vì nghề này đâu. Hằng ngày, chồng hì hụi làm mộc, vợ sấp ngửa chạy chợ, vừa làm kinh tế, vừa nuôi dưỡng niềm đam mê nghệ thuật. Nhưng lo nhất vẫn là không sao mở được lớp dạy tuồng cho các cháu đồng ấu. Nếu không kịp thời thì chắc chắn tuồng “chết”, tiếc lắm”.
Hồ Phương Phúc - Minh Thu (Dân Việt)