Từ lâu, trong chốn kẻ chợ đến vùng quê hẻo lánh không ai không biết đến làng Yên Thái (nay thuộc làng Bưởi, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội) làm giấy nức tiếng cả nước. Nhưng trong tâm thức giới trẻ ngày nay, những nhịp chày rộn rã năm nào đã xa xăm lắm rồi... Những bí mật về nghề làm giấy dó tiến vua của các truyền nhân làng nghề Yên Thái bây giờ mới được kể lại.
Tuyệt kĩ không truyền ra ngoài
Theo ông Nguyễn Thế Đoán, truyền nhân duy nhất của dòng họ làm giấy nổi tiếng này thì nó có trước thời Lê, đến thời Lê, người dân đã làm giấy dâng vua. Đến thời kháng chiến lại được Chính phủ đặt hàng để in các văn kiện và di chúc của Bác. Thời ấy, loại giấy dâng lên vua được gọi là giấy quỳ (hay giấy dó lụa) có chất lượng rất cao. Triều đình sử dụng nó vào những công việc ghi chép quan trọng. Từ đó đến nay kĩ thuật làm giấy dó lụa nhất thiết phải truyền cho trưởng đích (tức cháu đích tôn của dòng họ).
Ông Đoán cho biết, nguyên liệu làm giấy rất phong phú chứ không đơn thuần là lấy từ cây dó. Có 6 loại có thể dùng để sản xuất giấy ở làng Yên Thái là: Dó, bo, cãnh, dướng, canh, mộc. Trong các loại đó, cây cãnh là loại tốt nhất để làm giấy vì sợi óng, mịn và dai. Nguyên liệu cãnh không phong phú bằng dó nên người thợ dùng dó thay thế mà chất lượng vẫn đảm bảo về độ bền và dai. Giấy thành phẩm sẽ có màu hanh vàng rất đặc trưng. Tuy nhiên, nếu dùng dó thì phải dùng từ lớp vỏ thứ 3 trở vào. Thợ tham, tận dụng hai lớp vở ngoài, mẻ giấy sẽ hỏng ngay.
Khuôn tre ken mắt cáo (liềm xeo giấy) được nhúng vào trong bể bột dó (bể xeo), sau đó được chao đi chao lại trong bể. Một lớp bột dó rất mỏng được nhấc ra khỏi liềm xeo và chuyển sang các công đoạn ép, phơi, nén … tạo thành tờ giấy dó. Ảnh: Viện Thông tin Khoa học Xã hội VN
|
Quá trình chọn lọc nguyên liệu công phu thì chu trình làm giấy lại phức tạp không kém. Đầu tiên là việc ngâm nguyên liệu trong nước để cho vỏ cây có thể thấm đủ nước và làm mục những tạp chất. Sau đó cho nước vôi loãng ngâm khoảng nửa buổi để thấm đều...
Những sợi được vớt sẽ được đem vào cối đá to, giã liên tục cho thật nhuyễn thành một thứ bột quánh và mịn. Những khối bột đó tiếp tục được thả vào tàu xeo giấy. Tàu xeo giấy là một bể nước có pha sẵn loại keo bằng nhựa cây mò lấy từ vùng Phú Thọ, Thái Nguyên. Nhựa của cây này sẽ tạo ra độ bóng và trơn rất đặc biệt cho giấy. Người xeo giấy phải đảm bảo tờ giấy mỏng đều, mịn và mặt giấy phải trơn, đạt độ bóng nhất định. Còn bí quyết pha chế (cho đến giờ vẫn là một bí mật mà chỉ riêng trưởng họ mới biết) sẽ được người trưởng họ làm. Tờ giấy khi hoàn thành trông như một tấm lụa màu hanh vàng, các sợi tơ dài và óng đan xen lẫn lộn với nhau tạo ra độ bền, chắc bởi kết cấu tơ không đơn thuần là kết cấu ngang, dọc như tấm vải. Giấy thuộc vào loại bóc đơn, rất nhẹ, không mục nát, không bị mối mọt và đặc biệt độ ẩm rất thấp.
Mỏng manh "hồn giấy"
Làng nghề Yên Thái xuất hiện trong Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi vào khoảng thế kỉ XV. Theo ông Đoán kể thì cụ tổ dạy nghề cho làng là người cháu xa của Thái Luân - người phát minh ra giấy vào thời Đông Hán bên Tàu (Trung Quốc). Làng Đông Xã cụ đã truyền hết bí quyết làm giấy cho dân làng. Đến nay chính ở Đông Xã là nơi đặt ban thờ tổ nghề. Ông Đoán tâm sự: "Ngày nay không ai có thể kiếm sống bằng nghề làm giấy nữa và thế hệ trẻ người dân làng Yên Thái lớn lên cũng xa lạ với tiếng chày. Những kĩ thuật làm giấy dần mất đi và không còn ai sử dụng nữa".
Theo lời kể của ông Đoán, ở làng Đông Xã dòng họ Nguyễn Thế là dòng họ vốn có truyền thống lâu đời trong nghề làm giấy và được truyền lại bí kíp làm nghề. Ông Đoán hiện nay là người duy nhất nắm giữ bí quyết pha chế mà từ thời các cụ để lại. Bởi thế, dù nghề giấy không còn thịnh như xưa nhưng tâm huyết vẫn luôn rực cháy trong con người tuổi đã xế chiều này. Ông Đoán đã bôn ba rất nhiều nơi để tìm nguyên liệu, dụng cụ cho việc tái sản xuất nhưng mấy lần đều lỡ hẹn.
Ông Đoán cho biết, có ý định hợp tác với Cục bảo tồn di tích nhưng rồi lại chuyển ý, sẽ sản xuất tại nhà để cung tiến chùa chép kinh hoặc biếu, tặng các sở văn hóa. Khát vọng mở rộng quy mô sản xuất không thể thực hiện. Ông Đoán trăn trở: "Chỉ sợ một ngày nào đó con cháu làng mình xa lạ với cả tiếng chày giã giấy. Lúc ấy một làng nghề sẽ thực sự chỉ được biết đến qua thơ văn, hò vịnh mà thôi".
(Theo LangVietOnline)