Lần đầu tiên tại Lễ hội Lam Kinh 2012 đã phục dựng toàn bộ năm trò diễn Xuân Phả nổi tiếng “Ngũ quốc lân bang đồ tiến cống” - một đỉnh cao của nghệ thuật múa dân gian Việt Nam.
Biểu diễn trò Xuân Phả nổi tiếng tại Lễ hội Lam Kinh 2012
|
Ngày 7/10, tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh, xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã long trọng tổ chức Lễ hội Lam Kinh 2012 nhân kỷ niệm 594 năm khởi nghĩa Lam Sơn, 584 năm vua Lê Thái tổ đăng quang và 579 năm ngày mất của anh hùng dân tộc Lê Lợi.
Phần Lễ đã tái hiện nhiều sự kiện trọng đại và mang đậm nét văn hóa thời Lê. Mở đầu là đoàn rước kiệu Lê Lợi, kiệu Bát cống, kiệu Lê Lai, quân kiệu, quân cờ... xuất phát từ Đền thờ Lê Thái Tổ, theo đúng nghi thức cổ truyền về trước sân điện Lam Kinh.
Điểm nổi bật trong phần Lễ chính là những nghi thức tế lễ với những bài chúc văn, tế cáo mang đậm tính nhân văn qua các đời vua Lê truyền lại, đây là những nét đẹp truyền thống về văn hóa tâm linh trong Lễ hội Lam Kinh.
Trước đó, các lễ dâng hương tưởng nhớ Anh hùng dân tộc Lê Lợi, các vua Lê, các tướng sỹ và nhân dân có công trong lịch sử dựng nước và giữ nước đã được tổ chức tại các địa điểm di tích như Đền thờ Lê Thái tổ (xã Xuân Lam); Khu Lăng mộ Lê Thái tổ; các tòa miếu di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân); Đền thờ Trung Túc vương Lê Lai, xã Kiên Thọ (Ngọc Lặc); Thái miếu Nhà Lê, phường Đông Vệ và Tượng đài Lê Lợi (thành phố Thanh Hóa), theo nghi thức cổ truyền và bảo đảm nếp văn hóa, văn minh, lành mạnh.
Phần Hội diễn ra với chương trình nghệ thuật sân khấu hóa, trang trọng, gọn nhẹ. Đây cũng là năm đầu tiên ngành văn hóa Thanh Hóa phục dựng và đưa toàn bộ năm trò diễn Xuân Phả nổi tiếng có tên “Ngũ quốc lân bang đồ tiến cống” - được ví như một đỉnh cao của nghệ thuật múa dân gian Việt vào nội dung của Lễ hội Lam Kinh với các điệu múa Ai Lao, Ngô Quốc, Chiêm Thành, Hoa Lang và Lục Hồn Nhung.
Trò diễn Xuân Phả, với những đạo cụ dân gian như mũ loóng (bằng tre), mặt nạ gỗ hình bà cố, mặt nạ mẹ, mặt nạ con, mặt nạ nửa mặt, hình béo mập, mắt bằng lông công, xênh tre... cùng những "diễn viên" người làng Xuân Phả (Thọ Xuân) qua nhiều động tác múa, tuyến múa, đội hình múa, làm tôn nên sắc thái văn hóa lúa nước, vẻ duyên dáng, tinh tế, kín đáo nhưng cũng rất mạnh mẽ của người Việt.
Với trò Xuân Phả, du khách thập phương được hiểu biết thêm về mối quan hệ bang giao giữa Việt Nam và các nước láng giềng trong các thời kỳ lịch sử.
Trong phần Hội còn có các trò chơi, trò diễn dân gian mang đặc trưng vùng, miền ở xứ Thanh và gắn chặt với Lễ hội Lam Kinh. Lễ hội thể hiện tính trang trọng, thiết thực, mang đậm nét văn hóa dân gian truyền thống xứ Thanh.
Phần Hội kết thúc với các chương trình nghệ thuật hiện đại, ca ngợi đất nước, quê hương và con người xứ Thanh trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhân dịp này, ngành Văn hóa Thanh Hóa còn tổ chức nhiều dịch vụ lữ hành, quảng bá du lịch Thanh Hóa gắn với các vùng kinh cô đổ như vùng Tây Đô-Lam Kinh, Thành Nhà Hồ, Sầm Sơn… và các gian hàng giới thiệu sản phẩm du lịch Thanh Hóa, để từ đó quảng bá tới du khách thập phương đến với mảnh đất, con người xứ Thanh.
Thông qua Lễ hội Lam Kinh 2012, Thanh Hóa muốn tuyên truyền quảng bá, thu hút du khách thập phương về với di tích trọng điểm Lam Kinh, làm sống động “Du lịch di sản” trong chương trình “Năm Du lịch quốc gia” các tỉnh Duyên hải Bắc Trung bộ-Huế năm 2012 và thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch của tỉnh.
Khai hội từ ngày 6/10 (tức ngày 21/8 âm lịch), Lễ hội Lam Kinh 2012 diễn ra trong ba ngày, từ 6-8/10/2012 (tức ngày 22 và 23/8 âm lịch) tại khu di tích Lam Kinh (xã Xuân Lam) và thị trấn Lam Sơn (huyện Thọ Xuân) và khu vực đền thờ Trung túc vương Lê Lai (xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc)./.
(TTXVN)