Với thế mạnh sẵn có là cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, đời sống của người dân bản địa có nhiều nét đặc sắc, độc đáo, chính quyền huyện Đồng Văn đang cố gắng giúp bà con phát huy những nét văn hóa truyền thống để thu hút khách du lịch nhiều hơn.
Sông Nho Quế và những dãy núi tai mèo nhìn từ đèo Mã Pì Lèng
|
Ở những nơi vẫn còn kiến trúc, cảnh quan đặc trưng của vùng núi đá và có đường đi tương đối thuận tiện, huyện Đồng Văn đã hỗ trợ xây dựng các khu du lịch văn hóa. Hiện có Làng Văn hóa du lịch Thôn Sủa Pả A và Trúng Pả A (xã Phố Cáo), Làng Văn hóa thôn Lũng Cẩm (xã Sủng Là), làng văn hóa du lịch thôn Phố Trồ (thị trấn Phó Bảng).
Các làng này được hỗ trợ kinh phí để cải tạo cảnh quan thiên nhiên, môi trường để phù hợp với việc làm du lịch. Như thôn Phố Trồ có một hồ nước đẹp và rất quý bởi trên cao nguyên đá một năm trung bình có từ hơn 4 tháng thiếu nước. Hồ nước này được xây bờ kè, làm đường đi xung quanh để cảnh quan đẹp hơn. Còn các hộ sống trong khu vực này được hỗ trợ xây bể chứa nước mưa, làm chuồng trâu bò hợp vệ sinh.
Chị Giàng Thị Hờ, người Mông, làm nghề thợ may cho biết từ khi được xây dựng làm làng văn hóa du lịch, du khách đến tham quan nhiều hơn. Thấy họ chụp ảnh làng xóm, chị cũng thấy vui. Nhiều người còn mua những váy áo của phụ nữ Mông mà chị vẫn may như một món quà lưu niệm quý giá nên chị Hờ rất mong du lịch ở đây phát triển hơn nữa.
Ở phố cổ Đồng Văn mỗi đêm rằm, mùng một lại có đêm văn nghệ do các xã phối hợp với các cơ quan của huyện tổ chức với những tiết mục mang đậm màu sắc văn hóa của bà con các dân tộc. Xem văn nghệ tới khuya, du khách còn được thưởng thức món thắng cố đặc trưng của vùng cao ngay bên chợ.
Bà Lý Trung Kiên, phó chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết, có những điểm thuộc vùng lõi của di sản địa chất cao nguyên đá Đồng Văn hiện nay người dân đang sinh sống, canh tác. Việc sinh sống canh tác trên đó sẽ phải dừng lại để khoanh vùng và bảo vệ sự đặc trưng của những dãy núi tai mèo. Khi người dân không còn canh tác trên đó nữa sẽ rất khó khăn cho cuộc sống, nên huyện đã định hướng ra một số làng nghề truyền thống để đưa vào phục vụ du lịch là nghề làm khèn Mông, nghề đan lát và rèn đúc công cụ. Trong khi chờ đợi những làng nghề thành hình, huyện đã vận động những người dân làm nghề tự làm, sau đó giới thiệu các địa chỉ để người dân mang tới giao.
Bây giờ tới Đồng Văn, trên đường đi, du khách thường bắt gặp những em bé người Mông má đỏ hây hây giơ tay chào và mỉm cười thân thiện. Cách ứng xử ấy với khách du lịch đã được đưa vào dạy trong các trường học ở Đồng Văn. Ấn tượng về cao nguyên đá giờ đây không chỉ là vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ mà còn là tấm lòng hiếu khách, chân thật của người dân nơi đây./.
Việt Hòa/VOVonline