Giống như người Kinh ở vùng xuôi có lễ mừng cơm mới sau mùa thu hoạch, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên cũng có lễ hội mừng cốm mới (Xa Mắc).
Từ bao đời nay, họ luôn tin rằng sở dĩ mùa màng tươi tốt, bội thu là do những vị thần phù hộ, nếu để các thần nổi giận, cây trồng, gia súc, gia cầm sẽ bị thất bát. Trong hệ thống thần linh của đồng bào Tây Nguyên (thường được nhắc đến trong các bài khấn cúng) có 3 vị nữ thần, thì thần Ia pôm được đồng bào suy tôn là thần Lúa...
Lễ hội mừng cốm mới bao giờ cũng được chuẩn bị cầu kỳ và tổ chức linh đình. Giữa độ lúa còn non, đồng bào Tây Nguyên đã mang gùi lên nương chọn hái những bông mẩy nhất, đẹp nhất để về làm cốm chuẩn bị cho lễ hội. Ngoài cốm, nhà nào cũng làm sẵn vài ba ché rượu.
Trước ngày hội, thanh niên trai tráng vào rừng lấy gỗ, tre, nứa về làm đàn tế, đàn bà giã gạo, thổi cơm, gùi nước, nướng thịt, chuẩn bị váy áo kơtếch (đặc biệt cho ngày lễ), đánh bóng kiềng, vòng bạc. Các nhạc công làm lễ chỉnh chiêng cho đúng giọng, điệu và tập những bài chiêng dành riêng cho lễ hội mừng cốm mới.
Bước vào lễ hội, già trẻ, gái trai trong buôn mặc trang phục lễ hội đẹp đẽ, cổ đeo kiềng bạc, cổ tay, cổ chân cũng vòng bạc sáng trắng tụ tập xung quanh nhà rông (những cư dân ở nhà dài không có nhà rông như Ê đê, Kor thì tụ tập xung quanh nhà già làng).
Tiếng chiêng trống, cười nói vang động cả núi rừng yên tĩnh. Không gian bỗng trầm lắng khi già làng cùng thầy cúng mặc áo blan, khố kơtếch, khoác áo choàng rộng, đầu chít khăn có cắm lông chim trĩ (trang phục lễ hội) tiến về phía đàn tế đọc lời khấn cúng.
Sau bài khấn của thầy cúng, dân làng tới dự lễ hội đồng thanh la hú dài. Tiếng chiêng trống nổi lên sôi động, dồn dập, rộn ràng. Đội diễn xướng xoang Táp Xgor (múa vỗ trống) xuất hiện bên hông nhà rông tiến vào khu lễ hội, sau đó đến hết các gia đình trong buôn.
Khi họ đến gia đình nào, họ múa, di chuyển quanh nhà một vòng ngược chiều kim đồng hồ, sau đó các thành viên trong đội hình múa, chiêng lần lượt lên nhà. Chủ nhà đã chờ sẵn ở cửa, ngay sát cầu thang lên xuống, đưa vào miệng khách một nắm cốm dẻo thơm...
Sau khi đi hết các gia đình trong buôn, đội diễn xướng múa, chiêng quay trở lại khu lễ hội quanh nhà rông hoà vào đám vui chơi, ăn uống. Lễ hội mừng cốm mới diễn ra trong 1 ngày, 1 đêm. Đồng bào từ các buôn làng về đây để tạm quên đi những vất vả, nhọc nhằn của cuộc sống thường ngày, để hòa vào cùng tiếng chiêng, điệu nhảy; lâng lâng cùng men rượu nồng và ngọn lửa rừng rực cứ bốc cao mãi giữa rừng đại ngàn.
Văn Minh (Dân Việt)