Cây gạo trở thành không gian thiêng trong tiềm thức tín ngưỡng người Việt
|
Phải chăng cây gạo có ma?
Thực hư chuyện cây gạo ở các làng quê có ma hay không cũng mông lung mơ hồ như chuyện ma ở cõi thực hay cõi mê. Chỉ biết cư dân bản địa Trường Sơn - Tây Nguyên coi cây gạo là cây thiêng của buôn làng. Các lễ hội thường không thiếu chôn cây gạo ở vị trí trung tâm lễ coi đó là cột vũ trụ. Đó là nơi cột con trâu tế thần trong lễ hội lễ dâng trâu mừng mùa tạ ơn trời đất.
Với cư dân Việt - Mường, Tày - Thái, cây gạo thường ở đầu bản hoặc cuối làng hay ở chốc bãi bờ, đồng không mông quạnh. Cây gạo thân to vươn cành như cánh tay giang rộng với tới mây trời, tán cây che rợp một một vùng đất. Lá gạo to mọc thưa ở những cành cao chót vót nên thích hợp cho loài quạ đen, quạ khoang làm tổ. Vị trí đó giúp loài quạ rộng tầm quan sát tự vệ và kiếm mồi. Vì là nơi chứa chấp bầy quạ nên con người dễ liên tưởng đến cái chết, đến sự trú ngụ của ma. Cây gạo trở thành không gian thiêng trong tiềm thức tín ngưỡng người Việt.
|
Sự phát triển vượt trội của cây gạo ở trong vị trí độc đáo của làng bản, buôn cũng làm cho người ta suy diễn đến sự no ấm, bình yên, sung mãn của miền đất mình cư trú. Câu ca dao cũ: “Bao giờ đom đóm bay ra/ Hoa gạo rụng xuống thì ta reo vừng”. Không chỉ là tín hiệu của mùa vụ mà còn gửi gắm vào đó những chiêm nghiệm đúc kết dân dã về sự đổi thay của trời đất, vạn vật mà con người đã kinh qua và trải nghiệm.
Hiểu thế nào về cây đa có thần?
Không ai có thể phủ nhận cây đa là biểu tượng văn hóa đặc sắc của làng quê Việt. Hình bóng làng Việt xưa nay in đậm dấu ấn cây đa, bến nước, sân đình. Đó là biểu tượng của văn minh nông nghiệp làng xã tồn tại hàng ngàn năm tới ngày nay. Cũng vì thế cây đa đi vào văn hóa văn nghệ dân gian sinh động, thanh khiết, thoát tục và kỳ bí trong đó có sự tích chú Cuội chị Hằng dưới bóng đa cung trăng. Cũng từ bộ ba cây đa, bến nước, sân đình ấy nhiều mối tình thôn dã nảy nở đơm hoa, kết trái, hạnh phúc đề huề sung mãn.
Cây gạo và cây đa là hai cây cao bóng cả mang đậm dấu ấn của làng quê Việt
|
Vốn là cây cao bóng cả có sức sống mãnh liệt vượt qua mọi nghiệt ngã của thời tiết, khí hậu, thách đố cả thời gian, cây đa biểu tượng cho sự trường tồn của đại thụ linh thần. Người xưa đã gán cho cây đa, cây si những đặc tính của thần thánh linh thiêng bí hiểm. Mọi sự xúc phạm đến linh thiêng của cây đa sẽ bị quở trách, trừng phạt trị tội. Bên cây đa, cây si thường hay dựng những ngôi miếu thờ. Đặc biệt thờ vong linh của người chết bờ, chết bụi, chết vật, chết vạ, chết bất đắc kỳ tử. Tín ngưỡng dân gian xưa cho rằng những vong linh đó khó siêu thoát nên lập miếu thờ dưới gốc đa làng để an dân.
Có thể khẳng định cây đa làng là nơi lưu giữ hồn quê Việt. Cây đa được kì vĩ hóa, huyền thoại hóa, nhân cách hóa thấu được triết lí nhân sinh. Trong các đền, đình, chùa, miếu, lăng mộ hầu như không thể thiếu bóng dáng cây đa. Cây đa trở thành biểu tượng của tín ngưỡng tâm linh, khi nó vừa là nơi trú ngụ của thế giới tâm linh vừa là cây cao bóng cả bao trùm che chở cho đời sống cõi người. Cây đa gắn liền với di sản văn hóa và cảnh quan làng xã đó là nhân chứng cho mọi thăng trầm đổi thay của cuộc đời con người tiếp nối các thế hệ.
Ngày nay cây gạo, cây đa không còn chứa đựng những yếu tố ma mị bí ẩn như xưa. Nhưng giá trị văn hóa cảnh quan và sự gắn liền với di tính văn hóa làng xã của nó vẫn vẹn nguyên giá trị. Trồng, chăm sóc bảo vệ tốt những cây đa, cây gạo làng quê vẫn là điều cần thiết của mọi cộng đồng dân cư. Vẫn là khắc khoải nhớ làng quê, đồng quê của những người xa quê xa xứ, mong ước tìm về cội rễ.
Trúc Thanh/ langvietonline.vn
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/tin-nguong-tho-cay-trong-tiem-thuc-dan-gian-viet-20190714221756804.htm