Xưa kia, người Giáy đóng thuyền, đóng mảng, vào dùng thuyền làm phương tiện đi lại trên sông và việc trao đổi mua bán cũng diễn ra trên sông nước.
Với nền kinh tế tự cấp, tự túc khép kín hoàn toàn, thủ công gia đình của người Giáy có vai trò đảm bảo cung cấp các vật dụng thiết yếu cho trồng trọt, sinh hoạt gia đình, tế lễ, hội. Tổ chức sản xuất tiêu thụ hoàn toàn mang tính tự phát của từng gia đình và chỉ nhằm thoả mãn nhu cầu trong gia đình là chính. Sản phẩm làm ra, đôi khi được đem trao đổi, nhưng thường chỉ trong nội bộ cộng đồng. Tuy vậy, tính mua bán hàng hoá của họ rất mờ nhạt, gần như chưa xuất hiện.
Trước kia, việc trao đổi mua bán của người Giáy là vật đổi vật, chưa xuất hiện trao đổi buôn bán (tiền - hàng - tiền). Ngày nay, đồng tiền đã xuất hiện, nhưng hình thức vật đổi vật vẫn tồn tại ở người Giáy, họ trao đổi với nhau mớ rau, con gà, lít rượu... Việc trao đổi buôn bán của đồng bào người Giáy nay có phát triển, các mặt hàng cũng khá phong phú. Điều này do nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố thông thương qua biên giới Việt - Trung, cũng như giao lưu buôn bán với các dân tộc khác, đặc biệt là với người Kinh.
Nếu như trước kia, người Giáy đóng thuyền, đóng mảng làm phương tiện đi lại trên sông, thì ngày nay người Giáy đi bộ và cưỡi ngựa, việc trao đổi mua bán của họ diễn ra ở chợ. Và nếu chợ không nằm trên địa bàn xã thì mỗi lần muốn đi chợ là họ phải đi bộ, cưỡi ngựa ít nhất nửa ngày mới tới chợ. Hiện nay, ngoài đi bộ, cưỡi ngựa thì hầu hết trong các gia đình người Giáy ở Mường Vi cũng có xe máy để đi lại.
Đến phiên chợ, người Giáy lại rủ nhau đi chợ, lúc đó những đồ dùng, vật dụng trong gia đình không dùng hết họ lại mang đi bán như: Thóc, ngô, khoai, sắn, rượu, gà,... lấy tiền để mua mắm, muối, mỡ... nhưng có khi họ đi chợ không để mua bán gì mà chỉ để chơi chợ, gặp bạn bè.
Xa chợ, giao thông đi lại khó khăn, nhưng chính những cái không thuận lợi ấy lại giúp người Giáy ở Mường Vi mở mang, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với nhiều người. Người Giáy ở Mường Vi cho rằng: "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn", họ muốn tiếp nhận những tinh hoa, những nét văn hoá của đồng bào khác mang về để làm đẹp văn hoá cho gia đình và cho thôn, bản.
Nguyễn Thị Lành (Theo báo Lào Cai)