Hát Xoan là lối hát dân gian được bắt nguồn từ tín ngưỡng truyền thống thờ cúng Thần linh, Thành hoàng và các Vua Hùng gắn với không gian thiêng là các ngôi miếu cổ và đình làng, nên Hát Xoan còn được gọi là “Hát cửa đình, Khúc môn đình, ca môn đình”. Theo sử sách ghi lại thì Hát Xoan đã tồn tại hơn 2.000 năm. Hát Xoan thường được tổ chức vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về để tưởng nhớ công ơn các đấng Thần linh, Thành hoàng và Vua Hùng, đón chào năm mới và cầu mong một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà no đủ, quốc thái dân an.
Hát Xoan là một hình thức nghệ thuật trình diễn cộng đồng
|
Với những giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo, ngày 24/11/2011, Hát Xoan Phú Thọ được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.
Là di sản thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn, Hát Xoan bao gồm hát, múa, gõ trống và phách. Âm nhạc trong Hát Xoan được cấu thành chủ yếu từ những thang ba âm, bốn âm. Giai điệu Xoan mộc mạc, tiết tấu đơn giản. Nhạc cụ sử dụng khi trình diễn Hát Xoan là trống và phách tre. Lời Hát Xoan thường được thể hiện dưới dạng thơ song thất lục bát, lục bát, thất ngôn hoặc lục bát biến thể... Bên cạnh đó, nghệ thuật Hát Xoan còn có các điệu múa (kết hợp với việc sử dụng các đạo cụ như quạt, nậm rượu...). Trong Hát Xoan, kép nam thường làm nhiệm vụ hát dẫn (lĩnh xướng), múa, đệm trống con, trống cái; đào nữ thường đóng vai trò hát phỏng (hát nhắc lại), hát đối đáp và múa.
Nghệ thuật Hát Xoan có các loại hình sau: Hát Thờ (tưởng nhớ các Vua Hùng, các vị thần, những người có công với dân, với nước và tổ tiên của các dòng họ), Hát Nghi lễ (ca ngợi thiên nhiên, con người, đời sống sản xuất, sinh hoạt của cộng đồng), Hát Hội (bày tỏ khát vọng trong cuộc sống, tình yêu nam nữ với những làn điệu đậm chất trữ tình, vui nhộn).
Hát Xoan có bề dày lịch sử, có tổ chức nghệ thuật chặt chẽ, không gian văn hóa rộng lớn và sức lan tỏa mạnh mẽ khắp cộng đồng. Trên chặng đường dài của lịch sử, Hát Xoan đã được nhiều thế hệ nối tiếp trao truyền, nhiều người có chức sắc, các nhân sĩ trí thức đã nâng đỡ, tạo điều kiện duy trì, phát triển. Gốc của hát Xoan ở vùng Phú Thọ, sau đó lan tỏa tới các làng quê thuộc đôi bờ sông Lô, sông Hồng, qua cả tỉnh Vĩnh Phúc.
Viện Âm nhạc Việt Nam đã sưu tầm được hơn 30 bài Hát Xoan và nhờ sự nỗ lực của một số nghệ nhân, nhiều phường Xoan đã được thành lập. Các câu lạc bộ Hát Xoan hiện đang sinh hoạt tích cực, các hội thảo cũng được tổ chức để mở rộng kiến thức về Hát Xoan.
Nhờ nỗ lực của các cấp, các ngành và cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, sau 6 năm thực hiện nghiêm túc các cam kết với UNESCO, ngày 8/12/2017, di sản Hát Xoan Phú Thọ chính thức được UNESCO đưa ra khỏi Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Năm 2018, tỉnh Phú Thọ thực hiện chiến lược phát triển du lịch địa phương, trong đó Hát Xoan là sản phẩm văn hóa đặc thù. Tỉnh tập trung nghiên cứu, sản xuất các chương trình từ tư liệu trình diễn của các nghệ nhân lão thành, giúp cộng đồng nhận diện giá trị và truyền dạy một cách bài bản, bảo vệ sắc thái riêng của mỗi phường Xoan, để loại hình âm nhạc dân gian không bị mai một và giữ vững sức sống như hiện tại.
Xuân Ca (tổng hợp)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/hat-xoan-phu-tho-20190201093129192.htm
|