Ca trù độc đáo ở không gian nghệ thuật riêng, nhạc cụ và thể thơ riêng biệt. Ngày 1/10/2009, Ca trù của Việt Nam được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Biểu diễn Ca trù
|
Ca trù đã được Hội đồng thẩm định di sản của UNESCO đánh giá như sau: “Ca trù đã trải qua một quá trình phát triển ít nhất từ thế kỷ 15 đến nay, được biểu diễn trong không gian văn hóa đa dạng gắn liền, ở nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Ca trù thể hiện một ý thức về bản sắc và sự kế tục trong nghệ thuật biểu diễn, có tính sáng tạo, được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua các tổ chức giáo phường. Những giáo phường này đã duy trì các cộng đồng có quan hệ mật thiết, tạo nên nét đặc trưng cho ca trù. Mặc dù trải qua nhiều biến động lịch sử, xã hội nhưng Ca trù vẫn có một sức sống riêng bởi giá trị nghệ thuật của nó đối với văn hóa Việt Nam.
Ca trù độc đáo ở không gian nghệ thuật riêng, nhạc cụ và thể thơ riêng biệt. Theo các nghệ nhân dân gian, Ca trù có rất nhiều thể thức hoặc giai điệu khác nhau, mỗi loại này được gọi là thể cách. Kỹ thuật hát rất tinh tế, công phu. Từ Ca trù, một thể thơ độc đáo đã ra đời và có vị trí sáng giá trong dòng văn học chữ Nôm của dân tộc, đó là thể hát nói với hàng nghìn bài thơ chữ Nôm chứa đựng rất nhiều tâm trạng và biến thái tinh tế của tâm hồn Việt Nam qua nhiều thế kỷ. Về âm nhạc, ba loại nhạc cụ là đàn đáy, phách và trống, trải qua quá trình sử dụng lâu dài đã trở nên những nhạc khí đặc trưng của Ca trù, góp phần đưa Ca trù trở thành một thể loại thanh nhạc kinh điển của Việt Nam. Trên thế giới, ít có một bộ môn nghệ thuật nào mà chỉ có ba người cùng với nhạc cụ đàn đáy, cỗ phách, trống chầu phối hợp lại mà thành cả thơ, nhạc, tiết tấu, thể điệu… làm mê hoặc lòng người như Ca trù”.
Tham gia biểu diễn Ca trù có ít nhất 3 người: một nữ ca sĩ gọi là “đào nương” hay “ca nương” hát theo lối nói và gõ phách lấy nhịp (phách là một nhạc cụ làm bằng gỗ hoặc tre, được gõ bằng 2 que); một nam nhạc công gọi là “kép” đệm đàn đáy cho người hát (đàn đáy là một loại đàn cổ, dài, có 3 sợi dây tơ và 10 phím đàn); một người điểm trống chầu gọi là “quan viên”.
Hiện nay di sản Ca trù đang đối mặt với những thách thức lớn về bảo tồn và phát huy trong đời sống đương đại. Từ khi Ca trù chính thức được UNESCO ghi danh, UNESCO đã hai lần hỏi về thực trạng bảo tồn di sản (năm 2014 và 2017). Song, đến nay nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc vẫn nhận định, ca trù chưa đủ khả năng để thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp.
Sau gần 10 năm Ca trù được UNESCO công nhận, đến nay các nghệ nhân cao tuổi, những người có tên trong hồ sơ đệ trình UNESCO không còn nhiều. Hiện chỉ còn khoảng 3-4 nghệ nhân ở tuổi 90, hầu như không thể đàn, hát được nữa.
Để đưa Ca trù ra khỏi danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, mặc dù đã có nhiều cố gắng, song chúng ta cần phải nỗ lực, có biện pháp và hành động cụ thể hơn nữa. Việc duy trì thường xuyên các buổi biểu diễn Ca trù tại các Câu lạc bộ và nâng cao chất lượng nghệ thuật của loại hình này là vấn đề đặt ra đối với công việc bảo vệ Ca trù. Bên cạnh đó, cần phải nâng cao nhận thức về Ca trù để có thêm nhiều công chúng thưởng thức, khẳng định vị thế trong xã hội hiện đại; đồng thời cần phải hỗ trợ các nghệ nhân lớn tuổi và khuyến khích những ca nương, kép đàn trẻ học hỏi và tham gia truyền dạy Ca trù cho các thế hệ sau… Có như vậy thì trong tương lai, Ca trù mới hy vọng tồn tại và phát triển.
Xuân Ca (tổng hợp)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/ca-tru--di-san-can-duoc-bao-ve-khan-cap-20190131152302048.htm
|