Nhã nhạc cung đình Huế mang một ý nghĩa to lớn về mặt lịch sử cũng như giá trị văn hóa
|
UNESCO đã đánh giá, “trong các thể loại nhạc cổ truyền ở Việt Nam, chỉ có Nhã nhạc đạt tới tầm vóc quốc gia”. “Nhã nhạc đã được phát triển từ thế kỷ 13 ở Việt Nam đến thời nhà Nguyễn thì Nhã nhạc cung đình Huế đạt độ chín muồi và hoàn chỉnh nhất”.
Thuật ngữ Nhã nhạc không chỉ chứa đựng hệ thống âm nhạc cung đình dựa trên thang ngũ âm mà còn bao hàm cả sự trình diễn thực tế; được đặc trưng bởi sự đa dạng của các loại nhạc cụ, và chỉ được biểu diễn vào những dịp nào đó, với các ca công và vũ công riêng. Trống đóng vai trò chủ đạo trong các dàn nhạc cung đình gồm nhiều nhạc công và mỗi người trong số họ phải có sự tập trung cao để theo được mạch tất cả giai đoạn lễ nghi kéo dài.
Theo sử sách thì Nhã nhạc ra đời vào triều Lý (1010-1225) và hoạt động một cách quy củ vào thời Lê (1427-1788), là loại hình nhạc mang tính chính thống, với quy mô tổ chức chặt chẽ. Các tổ chức âm nhạc được thành lập, đặt dưới sự cai quản của các nhạc quan. Song, vào giai đoạn cuối của triều Lê, âm nhạc cung đình dần dần đi vào thời kỳ suy thoái và nhạt phai dần.
Đến thời Nguyễn (1802-1945), vào nửa đầu thế kỷ XIX, điều kiện xã hội đã cho phép âm nhạc cung đình phát triển trở lại, thường được dùng để biểu diễn trong các ngày lễ trọng đại của Hoàng cung. Phong phú về nội dung tinh thần, Nhã nhạc đã được xem như là một phương tiện liên lạc và bày tỏ lòng tôn kính đến các vị thần linh và bậc đế vương. Ngoài ra, nó còn là phương tiện truyền đạt những ý tưởng mang tính triết lý và những khía cạnh về vũ trụ của người Việt. Triều đình Nguyễn quy định 7 thể loại âm nhạc, bao gồm: Giao nhạc, Miếu nhạc, Ngũ tự nhạc, Đại triều nhạc, Thường triều nhạc, Yến nhạc, Cung trung nhạc. Dưới thời Nguyễn, Nhã nhạc được dùng trong các lễ tế đại triều 2 lần/tháng, thường triều 4 lần/tháng, Nam Giao, Tịch Điền, sinh nhật vua và hoàng hậu; tế bất thường: đăng quang, lễ tang của vua và hoàng hậu, đón tiếp sứ thần. Tùy theo từng cuộc tế lễ mà có các thể loại khác nhau, như: Đại triều nhạc dùng trong lễ Nguyên đán, ban sóc...; Yến nhạc dùng trong mừng thọ, chúc thọ, tiếp đãi sứ thần...; Cung trung nhạc biểu diễn trong các cung hoàng thái hậu và thái hoàng thái hậu...; Miếu nhạc sử dụng tại các nơi thờ vua, chúa...; Ngũ tự nhạc dùng trong tế Xã tắc, Tiên nông...
Từ sau khi được UNESCO vinh danh, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã có nhiều nỗ lực để góp phần làm cho loại hình âm nhạc đặc biệt này tiếp tục khẳng định giá trị và lan toả, như: sưu tầm, lưu trữ tài liệu; nghiên cứu và phục hồi hệ thống bài bản, nhạc cụ, y phục; tập huấn, đào tạo và truyền dạy qua các phương thức; tổ chức trình tấu tại không gian diễn xướng nguyên thuỷ; biểu diễn giới thiệu ở trong và ngoài nước…
Bảo tồn di sản Nhã nhạc cung đình Huế luôn gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô, bởi lẽ hai loại hình văn hóa này luôn đan xen, hòa quyện để làm nên vẻ đẹp viên mãn của di sản văn hóa Huế.
Phi Phượng (tổng hợp)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/nha-nhac-hue-am-nhac-cung-dinh-viet-nam-20190130162455388.htm