Nghề cha truyền con nối
Công đoạn may viền cho chiếu cói Phú Tân thêm chắc chắn. Ảnh: Nguyễn Lê
|
Ông Tiếu Xuân Nghiệm, người đã có 30 năm dệt chiếu cói cũng không biết cái nghề làm chiếu ở làng có từ bao giờ. Đến đời ông, đã thấy cha mẹ mình làm và cứ thế được truyền lại cho tới nay. Ông Nghiệm cho hay: Ban đầu cói mọc hoang, nhưng để chủ động nguồn nguyên liệu, người ta bứng gốc về cấy dọc theo bãi bồi ven sông, rạch. Hiện nay, diện tích trồng cói ở đây đã lên tới 25 ha. Sau cấy khoảng 3 tháng, thu hoạch bằng cách dùng phảng phát ngang trên gốc; gốc cói còn lại sẽ nảy mầm, lên cọng cho những vụ thu hoạch sau. Sau vài ba vụ, cói xấu dần, cọng ngắn; người trồng phải bứng gốc, cấy lại gốc mới. Cói được phân loại ngắn, dài; sau đó, dùng dao nhỏ, nhọn chẻ lác, phơi 2 - 3 nắng cho khô; lác đang phơi mà gặp mưa thì sau này chiếu sẽ bị thâm.
Ðối với nghề dệt chiếu, nguyên liệu rất quan trọng, nên phải lựa chọn thật kỹ, có được cọng cói vừa ý, chiếu làm ra mới chất lượng. Sau khi thu hoạch về, bà con phải “giũ” để loại bỏ những cọng cói “lãi” - cọng cói ngắn hơn với kích thước thông thường là 1,6 m chiều ngang của chiếu. Sau đó lác được đem ra phơi, nhuộm màu, rồi tiếp tục phơi khô, trước khi dệt phải nhúng nước để cọng cói không bị gãy.
Sợi cói được phơi khô để làm nguyên liệu dệt chiếu . Ảnh: Thông Hải
|
Nghề dệt chiếu Phú Tân chủ yếu là do phụ nữ và trẻ em làm, còn đàn ông thì làm ruộng, làm rẫy. Mặc dù thu nhập từ nghề dệt chiếu không cao, nhưng cuộc sống cũng ít nhiều khấm khá. Bao nhiêu thế hệ ở Phú Tân đã trưởng thành đều gắn với nghề dệt chiếu. Không ít cô gái lấy chồng xứ khác, vẫn trở về Phú Tân tiếp tục làm nghề dệt chiếu. Chị Trần Thị Mỹ Huệ, lấy chồng xong cũng về làm nghề dệt chiếu với bố mẹ. Chị Huệ cho biết: Ngày trước chủ yếu là dệt thủ công, khi dệt chiếu phải có hai người. Một người xếp cói và một người dệt. Người xếp cói và người dệt có thể thay thế vị trí cho nhau. Hai người phải phối hợp nhịp nhàng, lúc người dệt điều chỉnh cây dệt về tư thế ngửa thì người xếp cói sẽ xếp phần gốc của cọng cói và ngược lại, khi người dệt đưa cây dệt về vị trí xấp thì người xếp cói xếp phần ngọn của cọng lác. Hai người phối hợp như thế cho đến khi dệt xong chiếc chiếu.
Khởi sắc nhờ đa dạng sản phẩm
Năm 2010, lần đầu tiên, chị Nguyễn Thị Kim Phương ở thôn Phú Tân 1 (xã An Cư) mua 2 máy dệt chiếu về sản xuất thử nghiệm đã tạo bước ngoặt cho làng nghề dệt chiếu Phú Tân 1. Sản phẩm đạt chất lượng, được thị trường ưa chuộng, đầu năm 2011, gia đình chị Nguyễn Thị Kim Phương đã đầu tư hơn 850 triệu đồng mua thêm 11 máy dệt chiếu, 3 máy may bìa, thành lập tổ sản xuất chiếu cói tạo việc làm cho 30 lao động với thu nhập bình quân gần 4 triệu đồng/người/tháng.
“Để dệt một chiếc chiếu thủ công luôn phải cần đến hai người, một người đẩy cói vào khung dệt, người kia cầm khung thực hiện thao tác dập, miệt mài cả ngày cũng chỉ được 2 cặp chiếu. Trong khi đó, để điều khiển một máy dệt chiếu, chỉ cần một người ngồi đưa sợi cói vào máy và theo dõi máy chạy. Loại máy này còn có thể dệt nhiều loại chiếu với đủ kích cỡ, hoa văn khác nhau, tùy theo người điều chỉnh. Riêng nguyên liệu lác để dệt chiếu máy phải mất 6 kg cói/1 chiếc chiếu thay vì 2 kg cói/1 chiếc chiếu thủ công. Nhờ vậy, chiếu dệt bằng máy có ưu điểm là chiếu dày, chắc, đẹp, bền nên giá trị cao gấp đôi chiếu thường. Nếu một cặp chiếu dệt thủ công, giá chỉ khoảng 50.000 - 60.000 đồng/cặp thì chiếu dệt máy giá lên đến 130.000 - 160.000 đồng/cặp” - chị Phương cho hay.
Làng nghề chiếu cói phát triển mang lại thu nhập ổn định cho người lao động . Ảnh: Nguyễn Lê
|
Dệt chiếu cói bằng máy không chỉ ổn định chất lượng sản phẩm mà còn giúp các cơ sở sản xuất tạo ra được những sản phẩm mới lạ với nhiều hoa văn đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Anh Nguyễn Văn Tây là người đưa dòng chiếu gấp về Phú Tân. “Trong một đợt đi khảo sát và tìm mua máy dệt chiếu ở Long An, tôi thấy sản phẩm chiếu gấp làm từ cây uzu, nhưng nguyên liệu này không có ở Việt Nam. Tôi đã mày mò làm chiếu gấp từ cây cói của địa phương. Đến giữa năm 2012, sau nhiều lần thử nghiệm, tôi đã sản xuất thành công chiếu gấp từ nguyên liệu cói”.
Chiếu gấp cũng được dệt bằng máy, khổ lớn như các loại chiếu thông thường khác, sau đó được cắt ra thành từng miếng tùy theo kích thước của chiếu rồi được may bìa và ghép viền may lại thành chiếu gấp. Chiếu gấp có nhiều kích cỡ khác nhau, từ 0,8 - 1,6 m, xếp thành 3 mảnh rất nhỏ gọn. Quy trình dệt chiếu gấp công phu và mất nhiều thời gian hơn chiếu thông thường. Giá của chiếu gấp cao hơn chiếu thường từ 30.000 - 40.000 đồng/chiếc nhưng chỉ bằng 1/3 giá chiếu gấp nhập khẩu. Chiếu gấp có ưu điểm như độ bền cao, màu sắc, đường nét tinh xảo, hơn nữa lại có thể gấp nhỏ, tiện lợi cho vệ sinh, di chuyển. Do vậy, mẫu chiếu này ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.
Làng nghề hiện có 2 tổ hợp sản xuất chiếu bằng máy. Các tổ sản xuất này còn bao tiêu cả chiếu dệt truyền thống của phần lớn người dân làng nghề. Nhờ vậy, thị trường tiêu thụ không còn là nỗi lo của người dân như những năm trước. Tổng giá trị sản phẩm tiêu thụ của làng nghề dệt chiếu cói Phú Tân bình quân đạt trên 5,3 tỷ đồng/năm. Sản phẩm của làng nghề dệt chiếu cói Phú Tân tiêu thụ mạnh trên địa bàn tỉnh Phú Yên và mở rộng tiêu thụ tại thị trường các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Bình Định…
Nguyễn Lê/ langvietonline.vn
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/gin-giu-lang-nghe-det-chieu-coi-phu-tan-20180817094336464.htm