Tôi đứng bên bờ đông sông Hương, nhìn sang Bao Vinh, trông phố cổ dập dềnh như đám lục bình trên sóng nước tràn xả lũ. Bến đò làng Tiên Nộn đầy bùn nhão nhoẹt, con đò cũ kỹ như người già, nổ máy rời bến với một người khách duy nhất. Trời càng nhiều bão lụt, làng cổ danh tiếng lắm gian truân...
ảnh minh họa
Nhắc tới Bao Vinh phố cổ (Hương Trà, Thừa Thiên Huế), du khách thường biết đến phố cổ, nhà cổ quý hiếm hơn trăm năm tuổi. Đây là nơi sông Hương chảy thêm 3 km rồi đổ ra biển Đông, qua cửa Thuận An.
Trời không mưa, đoạn này sông Hương chảy xiết nhất, rộng nhất, sâu nhất, hiện là khu vực khai thác con hến của người dân Cồn Hến (Vĩ Dạ, TP. Huế). Nhưng thuyền hến không xuất hiện thường xuyên, bởi con hến sông Hương bị khai thác (làm cơm hến, bún hến) cạn kiệt lâu rồi. Du khách đến Huế giờ ăn cơm hến là ăn hến mua từ Quảng Trị, Quảng Bình
Theo “Quốc sử quán triều Nguyễn”, khoảng năm 1641, phố Bao Vinh hình thành. Tiên đoán trước sự phát triển, thịnh vượng, người Hoa sang buôn bán đã tậu đất, làm nhà, đưa cả gia đình sang. Dần dần, số người Hoa đông đúc tạo thành một làng Minh Hương trù phú. Người Minh Hương chuyên sinh sống bằng nghề buôn muối, gạo, nước mắm, hải sản khô, rất phát đạt.
Theo học giả Đào Duy Anh, trong bài “Phố lỡ première colonie chinoise du Thua Thien” đăng trong tập san Đô Thành hiếu cổ (BAVH 1943) đã miêu tả “Phố cảng bên bờ sông Hương thời ấy là một khu thương mại sầm uất. Khu phố lớn tên là “Đại Minh khách phố” nhộn nhịp bậc nhất Đàng Trong”. Xét về mô hình thương mại, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Chiêu Hòa (Nhật Bản) xếp Bao Vinh là một phố cảng có phong vị, tuổi đời xấp xỉ Hội An. Một trong những trọng điểm nội thương, ngoại thương của kinh thành Huế. Giao thông bằng đường thủy thuận lợi nhờ sông Hương, sông Bồ nối với phá Tam Giang- Cầu Hai, hai cửa biển Thuận An và Tư Hiền thông ra Thái Bình Dương.
Thời kỳ hưng thịnh của Bao Vinh không còn khi vua Thành Thái lên ngôi (năm 1889). Ông cho xây dựng phố thương mại “Ngã Giữa” (đường Phan Đăng Lưu), phố “Hàng Bè” (đường Huỳnh Thúc Kháng), chợ Đông Ba (1899). Ông không còn quan tâm Bao Vinh nên dần dần nó suy thoái, lụi tàn vào cuối thế kỷ 19.
Hơn một thế kỷ bị lãng quên, thương cảng biến mất. Có còn chăng là những đồ gốm, tiền cổ thi thoảng dân chài lưới tìm thấy dưới đáy sông Hương. Đối với Bao Vinh một thời sầm uất, thịnh vượng, bây giờ khác nhau “một trời một vực” với Hội An: người ta trở thành di sản văn hóa thế giới, còn nơi này tàn lụi, xiêu xế trầm trọng. Thử so sánh từ năm 1991, Bao Vinh còn được 39 ngôi nhà cổ, niên đại từ 150 đến 200 năm tuổi, đến nay 2017 chỉ vỏn vẹn 14 nhà đều hư hỏng, mục ruỗng.
Công nghiệp, hiện đại dường như xa lánh nơi này, nhà cổ còn lại khép nép ẩn mình dưới những ngôi nhà cao tầng, kèo cột, mái ngói không ngớt run rẩy trước lụt bão, đối mặt với sự hủy hoại của thời gian. Con đường tỉnh lộ 4 từ thời Nguyễn chạy qua trung tâm phố không đổi thay chút nào. Vẫn nhỏ hẹp, thấp trũng, mới mưa đã ngập.
Bây giờ, người Bao Vinh vẫn gìn giữ nguyên mẫu đình làng. Đến mùng 7 tháng chạp nghiêm túc giỗ ngài khai canh họ Phạm, Miếu thờ thần buôn bán Cao Cát được hương khói bốn mùa. Chùa cổ Thiên Giang Tự nổi tiếng với các tượng Phật đặc tả. Song đàng sau các di sản quý báu ấy là bóng tối và tiếng thở dài tiếc nuối, bởi vẻ đẹp não nùng và những câu chuyện lịch sử xung quanh nó.