Dù đời sống hằng ngày ở đô thị hoàn toàn phụ thuộc vào nước máy, nhưng ở nhiều nơi tại Hà Nội, giếng xưa vẫn là một di sản sống quý báu.
ảnh minh họa
Cả làng uống nước
Ký ức về giếng Hà Nội của họa sĩ Lê Thiết Cương rất diệu kỳ. Ông rất mê chiếc giếng cổ trong tòa Tổng giám mục. “Giếng đó có một điều rất đặc biệt. Nguyên nhà thờ Chính tòa ở Hà Nội trước đó là một ngôi chùa. Thế kỷ 19, người pháp phá cái chùa đó đi, xây nhà thờ. Có một thứ họ giữ lại là cái giếng. Mà theo hiểu biết của những người đã tới xem và mê lịch sử mỹ thuật, đó là một giếng nước thời Lý. Miệng giếng cánh sen - họa tiết sen đó chỉ có thời Lý. Bây giờ vào cổng 36 Nhà Chung là có thể được ngắm giếng đó”, ông Lê Thiết Cương nói.
Theo nhiếp ảnh gia Lê Bích, người nhiều năm chụp giếng, giếng ở Hà Nội vẫn còn tuy đã bị mất nhiều. Ông Bích phân loại thành hai nhóm: giếng ở vùng lõi và ngoại vi Hà Nội. “Ở vùng lõi, có rất nhiều điểm nhấn chính nằm ở các khu phố cổ. Trong đó điểm vẫn còn nhiều nhất là phố Nhà Chung, đó là những giếng phục vụ nhà thờ. Đặc biệt, sau khi có nước máy thì ở đó vẫn dùng song song cả nước giếng và nước máy. Năm 1979, có phát động đào giếng dự phòng thì cũng có thêm nhiều giếng. Hệ thống giếng này vẫn còn dùng, nước rất trong. Ở Lý Quốc sư vẫn còn giếng, người dân thậm chí vẫn ngồi quanh giếng uống cà phê”, ông Bích nói.
Cũng theo ông Bích, ở đền bạch Mã trên phố Hàng Buồm có một giếng rất đẹp. “Giếng được phát lộ năm 2010 đúng năm chúng ta kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Giếng nhỏ, xinh và giờ vẫn còn nước. Có thể do người xưa khi dùng sân để bán hàng, họ không dám lấp giếng mà chỉ che đi thôi. Vì thế khi cạy nền lên làm sân thì lộ ra giếng đó. Cũng đã có nhà hảo tâm công đức làm miệng giếng đặt ở đó. Bên cạnh có một miếu thờ nhỏ”, ông Bích nói và cho biết suốt tuyến Hàng Bông, Hàng trống, Hàng Chỉ, Phủ Doãn, Nhà Chung, Lý Quốc Sư, Phan Chu trinh cũng đều có giếng.
Giếng thiêng, giếng thần
Với ông Bích, văn hóa gắn với giếng ở Hà Nội cũng rất quan trọng. Ông Bích cho biết ở làng Xuân Đỉnh văn hóa giếng vẫn được giữ đến bây giờ. Khu vực này có một quần thể giếng của người Chăm rất đậm đặc. Nhưng điều đặc biệt hơn, người làng này vẫn duy trì nghi lễ rước nước cúng thánh ngày 6.2 âm lịch. “Họ rước nước từ giếng về cúng thánh. Cái chóe nước được một nhóm thanh niên vác chạy quanh làng. Họ chạy không theo lộ trình cố định gì cả. Họ quan niệm rằng đưa lộc đi khắp làng, thánh sẽ điều khiển họ, rẽ vào nhà nào thì nhà đấy được lộc_._”, ông Bích nói.
Cũng chuyện giếng thiêng, ông Bích cho biết ở làng Trung kính Thượng trên phố Nguyễn Ngọc Vũ (Q_Cầu Giấy, Hà Nội) có một chiếc giếng tuy không còn nước nhưng vẫn còn vai trò tâm linh. “Giếng có tên là Thiên quang tỉnh, nghĩa là ánh sáng từ trời chiếu xuống. Xung quanh giếng, dân làng xây tường bảo quản và mái bát giác để che mưa nắng. Theo người dân ở đây, người mẹ sinh con thiếu sữa có thể nhờ người ra giếng lễ rồi bẻ cành hoa sữa được trồng ở cạnh, treo đầu giường sẽ có sữa. Hằng năm lễ hội vẫn rất đông người về dự”, ông Bích cho biết.
Tuy nhiên, thời gian gần đây có một chiếc giếng được nhiều người truyền tai nhau, nếu xin được nước về đặt lên bàn thờ thì rất tốt. Đó là giếng nước ngàn tuổi trong Hoàng thành Thăng Long, ở phạm vi khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu. Cũng trong khu vực này các nhà khảo cổ tìm thấy 26 giếng nước. “Giếng có độ sâu 6,1 m, sâu nhất trong số các giếng đã đào thấy trong khu vực. Phải nhiều tuần mới khơi lại được giếng này, nhưng nước giếng rất đầy và trong vắt. Người dân chắc cũng vì yêu quý di tích mà đồn thổi là giếng thiêng như vậy”, PGS-TS tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học VN, nói.