(HNM) - “Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch là khâu then chốt, tạo đột phá để ngành Du lịch Việt Nam “cất cánh”, thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TƯ của Bộ Chính trị ngày 16-1-2017 về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn”, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn khẳng định. Nhưng nâng cao chất lượng theo những tiêu chí nào để hiệu quả và bền vững là câu hỏi nhận được nhiều sự quan tâm.
Sản phẩm hấp dẫn, riêng có
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính chất liên ngành, liên vùng, vì vậy, sản phẩm du lịch cũng mang tính tổng hợp với các yếu tố cấu thành như cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật, môi trường không gian, cảnh quan, tài nguyên, khí hậu, dân cư, dịch vụ, tiện nghi… Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Văn Tuấn, việc xác định đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, ngành, doanh nghiệp và nhân dân địa phương.
|
Khách nước ngoài chọn mua hoa tươi trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Linh Tâm |
Ông Vũ Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long (Quảng Ninh) cho biết, xác định du lịch là ngành chiến lược, trọng điểm nên thành phố thu hút nhiều nhà đầu tư lớn để thực hiện các dự án du lịch, tạo ra các sản phẩm du lịch hoàn thiện, hấp dẫn, chất lượng cao. Địa phương này đã gặp những đối tác chiến lược có cùng triết lý hoạt động "du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí là lĩnh vực tạo nên sự “thay da đổi thịt” của nhiều vùng đất, tạo sự phát triển ngoạn mục cho du lịch Việt Nam" như Tập đoàn Tuần Châu, FLC, Sun Group, Vingroup... để tạo nên hình ảnh Hạ Long hôm nay.
Ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group chia sẻ: Việc tạo ra những sản phẩm du lịch đẳng cấp, có chất lượng vượt trội là một hành trình dài, phải tính toán đến tác động vào tài nguyên thiên nhiên, cộng đồng, dân cư… Nếu làm không tốt có thể phá hủy cả một khu vực, một vùng giàu giá trị. Tuy nhiên, các tập đoàn lớn hiện nay ở Việt Nam có cách thức hoạt động khá đúng hướng, đó là học tập kinh nghiệm từ các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc hay các nước Châu Âu như Pháp, Ukraine, Đức, Nga… để rút ngắn thời gian xây dựng sản phẩm. Một sản phẩm du lịch hấp dẫn không chỉ khai thác thiên nhiên mà phải có tầm nhìn để bắt kịp xu thế thế giới, xây dựng những công trình riêng có như cầu đi bộ trên không, khu tổ hợp vui chơi giải trí hiện đại kết hợp với nghỉ dưỡng, khu đi bộ trải nghiệm nghệ thuật truyền thống, bảo tàng thiên nhiên...
Đồng tình với ý kiến này, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thiên Minh cho rằng, có hai nhóm sản phẩm du lịch Việt Nam nên ưu tiên phát triển trong 10 năm tới đó là du lịch biển đảo và du lịch đô thị, đều phải dựa trên nguyên tắc bền vững… Về phía các doanh nghiệp lữ hành, bà Nguyễn Lê Hương, Phó Tổng Giám đốc Vietravel thẳng thắn nêu: Lễ hội, biểu diễn nghệ thuật truyền thống, ẩm thực… là những yếu tố hấp dẫn đặc biệt du khách nước ngoài khi đến Việt Nam, nhưng chưa được tổ chức tốt. Bên cạnh du lịch nghỉ dưỡng dựa vào tài nguyên thiên nhiên thì ngành Du lịch cần tạo những sản phẩm khác biệt, nhất là về văn hóa.
Chuyên nghiệp từ việc nhỏ nhất
Đầu tư chiến lược và đồng bộ những sản phẩm hấp dẫn mới chỉ là một phần bề nổi để kéo khách du lịch đến Việt Nam. Để giữ chân khách và nhân lượng khách lại là câu chuyện về con người, trong đó thái độ, tác phong phục vụ của những người hoạt động trong ngành Du lịch nước nhà cần được chấn chỉnh mạnh mẽ.
Lấy ví dụ tại Đà Nẵng, để xây dựng thành phố thành nơi đáng sống, hấp dẫn, an toàn thì lãnh đạo địa phương đã đề ra những giải pháp đồng bộ cùng nhiều chương trình hành động đáng chú ý, tác động không nhỏ đến chất lượng hoạt động du lịch: “5 không, 3 có” (không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy, không có giết người cướp của và có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn minh), chương trình “Thành phố 4 an” (an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, an sinh xã hội)… Đặc biệt, đây là thành phố tiên phong ban hành bộ quy tắc ứng xử (được hình ảnh hóa, với các ngôn ngữ Việt - Anh - Trung - Hàn) trong hoạt động du lịch trên địa bàn dành cho cả ba nhóm đối tượng: Tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch và các ngành liên quan đến du lịch; người dân thành phố; khách du lịch.
Ông Hoàng Việt Cường cũng cho rằng, có một việc mà những quốc gia tiên tiến không thể làm giúp chúng ta đó là tạo đẳng cấp, chất lượng sản phẩm du lịch từ ý thức, thái độ phục vụ của từng cá nhân trong hoạt động du lịch. Những yếu tố giản dị, nhỏ bé như nghi thức cúi chào, mỉm cười, thiết kế lối đi và dịch vụ riêng cho người khuyết tật, trợ giúp tận tình với bất cứ khó khăn nào của du khách, trả lại đồ khách quên… đều phải làm với tác phong tự nhiên và chuyên nghiệp. “Chúng ta chú trọng gia tăng trải nghiệm, giúp du khách có thêm điểm đến, vui chơi và chi tiêu nhiều hơn nhưng quan trọng hơn cả là cải thiện hình ảnh và giảm nhanh con số hơn 80% du khách quốc tế không muốn quay lại Việt Nam như hiện nay”, ông Hoàng Việt Cường nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup Lê Khắc Hiệp cho rằng, trong kinh doanh và xây dựng sản phẩm du lịch, cần có quy trình chuẩn cho từng việc nhỏ nhất. Đã đến lúc phải có chế tài xử lý hành vi vi phạm trong hoạt động du lịch để giữ hình ảnh du lịch Việt Nam trong lòng du khách.
An Nhi
Nguồn hanoimoi.com.vn
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Du-lich/876799/cach-nao-nang-chat-luong
|