(HNMO) - Amazon là rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, nhưng trong 40 năm qua, ít nhất 20% khu rừng đã bị phá hủy. Diện tích Amazon bao phủ 9 quốc gia ở Nam Mỹ, trong đó 60% nằm ở Brazil. Cùng chiêm ngưỡng vẻ đẹp và sự tàn phá của con người với vùng rừng này từ trên cao qua ống kính của nhiếp ảnh gia Rodrigo Baleia.
Một con đường chạy qua Amazon thuộc Mato Grosso, một bang lớn phía tây Brazil. Lưu vực Amazon là nơi có khu rừng nhiệt đới lớn nhất trái đất và có con sông dài thứ hai thế giới (sau sông Nile). Bất chấp các nỗ lực bảo vệ của địa phương và chính phủ, trong 40 năm qua, 1/5 khu rừng đã bị san phẳng.
Những tàn dư của cây cối sau vụ cháy rừng ở Mato Grosso năm 2008. Mato Grosso đã từng là một trong những khu vực có nạn phá rừng nhiều nhất ở Amazon. Tính đến năm 2008, 38% diện tích từng là rừng ở vùng này đã bị san phẳng. Chính quyền bang này sau đó đã quyết định hành động, xây dựng kế hoạch kiểm soát nạn phá rừng và cháy rừng.
Gia súc trốn ánh mặt trời dưới một gốc cây ở Mato Grosso. Việc chăn thả gia súc "đóng góp" khoảng 70% vào nạn phá rừng ở Amazon.
Các lò than ở Maranhão, một bang phía đông bắc Brazil. Khai thác than là nguồn năng lượng không tái tạo lớn nhất ở Brazil. Thế nhưng nước này lại có thị trường năng lượng tái tạo lớn nhất Mỹ Latinh, tạo ra tới 70% sản lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo.
Một trong những cây được bảo vệ của Brazil. Kể từ năm 2000, Brazil đã thành lập mạng lưới các khu bảo tồn lớn nhất thế giới. Nhờ đó, nạn phá rừng Amazon ở Brazil đã giảm 80% trong thập kỷ qua, nhưng trong những năm gần đây, phá rừng lại có xu hướng gia tăng. Tháng 12/2016, chính phủ đã cam kết phục hồi 12 triệu ha rừng đã bị suy thoái hoặc bị chặt phá đến năm 2030.
Nhiều người dân địa phương đang chiến đấu để bảo vệ khu rừng, nhưng việc này khá nguy hiểm. 2015 là năm tồi tệ nhất được ghi nhận về các vụ giết những nhà hoạt động môi trường, với 50 trường hợp tử vong tại Brazil. Gần 40% nạn nhân là người bản địa. Xung đột về khai thác khoáng sản, kinh doanh nông nghiệp, đập thủy điện và khai thác gỗ là nguyên nhân chính của bạo lực.
Các máy kéo được sử dụng để làm đất trồng đậu nành. Nhìn chung, sản xuất đậu nành là nguyên nhân gián tiếp của nạn phá rừng. Việc mở rộng diện tích trồng đậu nành đã đẩy giá đất lên cao, khuyến khích phát triển cơ sở hạ tầng và chiếm chỗ của các trại gia súc - cả hai đều dẫn đến nạn phá rừng.
Gia súc được nuôi ở khu vực Amazon trước khi chúng được bán cho các lò giết mổ. Dữ liệu từ chính phủ Brazil cho thấy, hơn 60% diện tích rừng bị tàn phá là để lấy đất cho gia súc.
Hầu hết người dân ở Amazon sống ở các thành phố, thị trấn, nhưng có khoảng 240 bộ lạc sinh sống ở Brazil, chiếm khoảng 0,4% dân số nước này. Chính phủ Brazil đã công nhận 690 vùng lãnh thổ cho dân bản xứ, hầu hết đều sống ở Amazon.
Đợt hạn hán năm 2010 được coi là đợt hạn hán tồi tệ nhất ở lưu vực sông Amazon trong 100 năm qua. Nó là một bằng chứng nữa cho thấy sự tổn thương của khu vực này trước hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Một khu vực rừng bị phá ở Maranhão. Phá rừng đã gây ảnh hưởng rộng lớn. Rừng nhiệt đới là các bồn hấp thụ cácbon quan trọng và khi chúng bị phá hủy, carbon được thải vào khí quyển, đẩy nhanh tốc độ thay đổi khí hậu. Ước tính, việc chấm dứt nạn phá rừng có thể làm giảm lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu mỗi năm tới 30%.
Amazon là ngôi nhà của khoảng 16.000 loài cây và 390 tỷ cây riêng lẻ. Nhưng một nghiên cứu năm 2015 cho thấy, 57% số này sẽ rơi vào nguy hiểm nếu tốc độ phá rừng vẫn tiếp tục như hiện nay.
V.An Theo The Guardian
Nguồn hanoimoicom.vn
|