Câu chuyện được một độc giả chia sẻ dưới đây sẽ khiến chúng ta phải suy ngẫm vì sao du lịch Việt Nam mãi không "cất cánh" được.
ảnh minh họa
Gần đây, truyền thông từng đề cập đến việc một số nhà hàng ở Việt Nam treo biển "chỉ phục vụ du khách nước ngoài". Nhiều cửa hàng có tư tưởng kinh doanh kiểu này đã bị dư luận chỉ trích, cơ quan chức năng vào cuộc, cuối cùng cũng phải lên tiếng xin lỗi khách hàng .
Tuy nhiên, bất chấp sự khó chịu, bực bội của người mua, vẫn tồn tại những cơ sở kinh doanh vẫn ưu ái phục vụ khách du lịch nước ngoài nhưng lại tỏ ra phũ phàng với người Việt. Phải chăng điều này xuất phát từ tâm lý lâu nay cho rằng, chỉ khách Tây mới nhiều tiền,…?
Cưới nhau năm 2010, khi đó cuộc sống vất vả, bộn bề lo toan, tiền cưới xin cũng phải vay mượn họ hàng thân quen nên anh Thành Chung (32 tuổi, TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) chẳng màng gì tới chuyện trăng mật như bạn bè cùng trang lứa.
Biết vợ chịu nhiều thiệt thòi, sau 5 năm tích cóp mua được căn chung cư nho nhỏ ở ngoại thành, cuộc sống cũng tạm ổn định, dư giả, anh Chung bàn với vợ quyết đi du lịch một chuyến, coi như là món quà kỷ niệm 5 năm ngày cưới, cũng là bù tuần “trăng mật” cho vợ mình.
Tuần trăng mật có lẽ sẽ hạnh phúc mỹ mãn nếu như không có buổi sáng hôm đó, ở một khách sạn lớn tại Nha Trang.
Ngày du hành đầu tiên, sau khi đáp chuyến bay từ Hà Nội vào Nha Trang, về tới khách sạn, hai vợ chồng đều mệt nên muốn gọi đồ ăn uống phục vụ tại phòng. Nghĩ là khách sạn lớn, dịch vụ chăm sóckhách hàng tốt, ai ngờ đâu chờ gần nửa tiếng đồng hồ sau vẫn chưa thấy.
Vừa đói, vừa mệt, sợ nhân viên nhiều việc nên “quên”, anh Chung bấm máy gọi nhắc thêm một lần nữa. Hơn 15 phút sau, cô nhân viên mới mang đồ ăn lên kèm thái độ kém vui vẻ. Trước lúc về, nhân viên này còn cố ý nói bâng quơ: “Đặt phòng giá rẻ mà coi thái độ cứ như khách vip”. Hai vợ chồng anh Chung tròn xoe mắt, bất ngờ..
Xong bữa sáng, lúc xuống dưới sảnh, anh Chung thấy cũng vẫn là cô nhân viên đó nhưng lại đang niềm nở, phục vụ tận tình, rất lễ phép với mấy ông "khách Tây". Chuyện chẳng có gì đáng nói, nếu như buổi sáng ngày thứ hai không lặp lại như ngày đầu.
Vì được phục vụ miễn phí ăn sáng nên hai vợ chồng anh Chung không ra ngoài mà vào phòng khách dùng bữa cùng mọi người. Vẫn là cô nhân viên này, đặt bát phở "uỵch một cái" xuống bàn, làm nước bắn cả vào người chị Lan.
Anh Chung nhẹ nhàng vẫy tay gọi ngay cậu quản lý đứng phía xa xa lại gần, nói nhỏ 1 câu: "Em đổi cho anh nhân viên khác, cô này hôm nay mệt rồi cầm bát không nổi".
Tưởng rằng được người khác thay thế, ai ngờ đâu, anh Chung còn bị quản lý phản ứng lại, nói anh thái độ trịnh thượng, bắt bẻ nhân viên. Bực mình, lại không muốn to tiếng nơi đất khách quê người, anh Chung kéo vợ lập tức lên thu dọn đồ đạc, tìm đến một khách sạn khác cách đó gần 4km.
“Người Tây chỉ đến Việt Nam có một - hai lần, thậm chí nhiều người còn không muốn quay lại vì bị chặt chém, trong khi người dân trong nước hàng ngày sử dụng dịch vụ - cũng có thể coi là nguồn thu nhập lâu dài, mà bị đối xử không bằng nguồn thu nhỏ ngay trước mắt. Thực sự là rất buồn... ”, anh Chung tâm sự.
Làm sao để được phục vụ chu đáo?
Vợ chồng anh Chung, chị Lan chỉ là một trong những “nạn nhân” của lối ứng xử phân biệt du khách, xảy ra phổ biến ở những cơ sở dịch vụ có nhiều khách nước ngoài. Chẳng thế mà có chuyện vui rằng nhiều khách hàng người Việt, vì muốn cũng được phục vụ chu đáo như khách nước ngoài, không ngần ngại xổ ra một tràng ngoại ngữ từ tiếng Anh, tiếng Trung đến Tiếng Hàn…
Ví dụ như trường hợp của một bạn đọc ở Ninh Bình chia sẻ câu chuyện khi đi du lịch ở một số địa danh trong nước, phải đóng giả là khách Tây mới được phục vụ chu đáo, cưng chiều như những khách VIP.
Huyền Thương, 26 tuổi, người ở Ninh Bình kể, cô làm cho một doanh nghiệp bất động sản ở thành phố này. Lần đi dự hội thảo về BĐS du lịch ở Hà Nội đầu năm 2016, Thương tranh thủ ghé quán cà phê trên phố cổ, vừa làm việc, vừa ngắm cảnh Hà Nội trong không khí ồn ào, náo nhiệt.
Ngồi bàn đằng sau Thương là một bạn Tây, chừng 25-26 tuổi. Khi phục vụ ra hỏi bằng tiếng Anh rằng có cần tiếp thêm uống không, bạn Tây trả lời “Yes, please”. Thương thấy vậy cũng nói “Cho mình 1 ly nữa bạn nhé”, kết quả bất ngờ là...
Vị khách Tây được rót thêm một cốc nước lọc và một hộp giấy lau. Còn Thương thì không rõ bị bạn phục vụ cố tình quên mất hay không để ý thật. Tinh ý, biết sẽ phải ứng xử “lanh lợi” hơn, lúc sau một nhân viên khác đến cũng hỏi một câu tương tự với vị khách bàn kế bên, Thương đánh liều cũng nói "Me too, please".
Kết quả, Thương được rót thêm nước. Bạn phục vụ tươi cười nói: "You look like Vietnamese" - “Bạn trông giống người Việt Nam nhỉ?”.
"Mình rút kinh nghiệm rồi, các bạn cứ biết vài chữ tiếng Thái tiếng Hàn, tiếng Trung hay tiếng Anh cũng giả vờ nói hết, chí ít để họ nghĩ rằng mình là người Việt Kiều, sẽ được đối xử khác ngay. Tại sao cùng số tiền đó bỏ ra, mình lại bị người khác phân biệt đối xử chứ?”, Thương tâm sự.
Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều câu chuyện về những vị khách đáng nhẽ phải được coi là "thượng đế", nhưng lại bị phân biệt đối xử ở Việt Nam. Như một chuyên gia trong ngành đã từng nói, không có cách nào đuổi khách du lịch hiệu quả bằng việc phân biệt đối xử, thiếu chuyên nghiệp và tệ hơn là "chặt chém". Bất kể đối tượng nào, dù là ta hay Tây...
Ngày 14/4/2016, ông Trần Hữu Lý, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Khánh Hòa, cho biết các cơ quan chức năng tỉnh đang kiểm tra, xử lý hiện tượng một số nhà hàng, cửa hiệu ở Nha Trang (Khánh Hòa) chỉ tiếp khách Trung Quốc (TQ), không tiếp khách người Việt.
Trước đó năm 2013, tại các tỉnh Bình Thuận, chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu UBND TP Phan Thiết phối hợp với Sở VH-TT&DL làm rõ và xử lý quầy bán hàng lưu niệm da cá sấu và ngọc trai của nhà hàng Cát Vàng (81 Nguyễn Đình Chiểu, phường Hàm Tiến) từ chối phục vụ khách hàng Việt.