Những sợi dây cáp chịu lực lớn được giăng giữa những cây thông khỏe nhất trong rừng thông tại khu vực thác Datanla, cách Đà Lạt khoảng 4km, giúp người tham gia trò chơi có thể chinh phục những ngọn thông cao vút.
ảnh minh họa
Trong trò chơi liên hoàn được thiết kế thành nhiều cấp độ từ dễ đến khó, từ thấp đến cao, với các dụng cụ bảo hộ được trang bị “đến tận răng” để người chơi có thể tham gia tùy khả năng cũng như bản lĩnh. Tuy nhiên, không phải người chơi nào cũng có thể trải qua hết các cấp độ.
Người sợ độ cao luôn muốn khắc phục chứng này bằng việc tham gia trò chơi trên cao nhưng thường ngợp khi bắt đầu cuộc chơi. Chỉ cần giúp họ qua giai đoạn khởi động, sau đó đồng đội và sự hưng phấn xuất hiện sau những vòng chơi dễ sẽ giúp họ vượt qua sợ hãi
SIU HRILL (huấn luyện viên và là người tham gia thiết kế trò chơi)
Cứ bay đi, đừng nhìn xuống!
“Cho con xuống!”. Đứng ở bệ đỡ được thiết kế vắt vẻo trên cây thông cao hơn 20m trong khi tay cầm chắc dây bảo hiểm, cô bé Võ Ngọc Quỳnh Anh (10 tuổi, Tân Phú, TP.HCM) có vẻ sợ sệt, khẩn khoản nói với người hướng dẫn đi kèm. Bé Quỳnh Anh đã bắt đầu chạm đến những vòng nâng cao sau hai ngày chơi.
Dẫu đã quen với độ cao sau những lần giữ thăng bằng trên dây cách mặt đất hơn 10m, nhưng Quỳnh Anh vẫn hoảng sợ.
Trước mắt cô gái này là hai cây thông lớn, và nối hai cây thông này là sợi cáp mảnh, nhỏ vắt ngang thung lũng Datanla.
Chỉ cần cô rời chân khỏi bệ đỡ, cô sẽ chơi vơi giữa không trung và chiếc ròng rọc sẽ trôi tự do vun vút.
Huấn luyện viên Huy là người hướng dẫn và giám sát an toàn kéo vai Quỳnh Anh, không cho cô nhìn vào khoảng thung lũng sâu rộng.
“Con lên được đến đây là con rất dũng cảm. Con tập bay đi, bay qua thung lũng nhé. Mẹ đợi con bên kia kìa. Đừng sợ, con gái. Nhớ níu dây và mở to mắt” - Huy vỗ vai Quỳnh Anh.
Đoạn đầu tiên của sợi cáp dài, Quỳnh Anh hét lên hoảng sợ nhưng sau đó cô cười giòn, hét “Aaa..”, dang rộng tay như đang bay, chân đạp trên không trung theo tư thế đạp xe đạp.
Khi sắp đến đích, Quỳnh Anh đưa chân tới trước đúng theo tư thế đã được huấn luyện trước đó để dừng lại bằng cách đạp vào thân cây thông. Mẹ Quỳnh Anh đợi cô bé trong thấp thỏm, đến giờ mới thở phào, phụ con nới thiết bị bảo hiểm cho dễ chịu.
Đáp lại những câu hỏi vồn vã rằng con có sợ, con có đau, Quỳnh Anh xin được đi ngược lại vị trí xuất phát bằng một sợi cáp giăng ngang thung lũng ở độ cao cao hơn.
“Gió ù ù qua tai đã lắm mẹ. Con chỉ nhìn tới trước chứ không dám nhìn xuống rừng. Đoạn đi về con mới thử nhìn xuống, không còn thấy sợ gì hết” - Quỳnh Anh vừa nói vừa tháo đai bảo hiểm.
Cô ngồi thả lỏng chân, nhìn lên ngọn thông, những anh chị lớn đang chơi đu dây kiểu Tarzan. Tiếng hét, tiếng cười rộn cả một khoảnh rừng. Ở nơi huấn luyện, một nhóm những người trẻ đang thắt đai an toàn và nghe huấn luyện viên nhắc đi nhắc lại những nguyên tắc an toàn như nuốt từng lời.
Nguyễn Minh (Q.Đống Đa, Hà Nội) nhìn những thanh gỗ, sợi dây được thiết kế ngang tầm ngọn thông với ánh mắt sợ sệt, cô thú nhận sợ độ cao.
Tuy nhiên, sau khi được động viên, Minh cũng tham gia. Chậm hơn đồng đội nhưng Minh cuối cùng cũng đi hết loạt trò chơi liên hoàn được thiết kế tăng theo độ cao từ 1m đến hơn 20m.
“Tôi trượt chân té bốn lần, dây bảo hiểm neo lại đòng đưa trên dây cáp nhưng vẫn tự mình xoay xở để tiếp tục hành trình chứ không nhờ sự giúp đỡ của cứu hộ” - Minh hào hứng kể lại.
Huấn luyện viên cứu hộ một người chơi không thể đi hết được đoạn cáp treo nối hai bờ thung lũng - Ảnh: Mai Vinh
Rèn luyện thể chất và bản lĩnh
Ông Nguyễn Phú, người điều hành loạt trò chơi trên cao ở khu vực rừng thông thác Datanla, cho biết trò chơi trên cao dựa vào rừng thông lớn tuổi là biến tấu của loại hình High Rope Course (tạm dịch là hành trình đu dây mạo hiểm).
Loại hình này chưa phổ biến ở Đông Nam Á, hiện mới được đón nhận tại Thái Lan, Singapore, Indonesia... là một hoạt động mang tính thử thách (về thể lực và tâm lý) nhằm xây dựng kỹ năng làm việc nhóm cũng như phát triển kỹ năng cá nhân.
Có hai loại hành trình, gồm hành trình trên cao và hành trình dưới thấp. Hành trình dưới thấp thường diễn ra trên mặt đất hoặc cao dưới 1m.
Hành trình trên cao được dựng trên những thân cây cao hoặc các cột nhân tạo. Hoạt động này đòi hỏi phải có thiết bị bảo hộ chuyên biệt.
Ông Phú nhấn mạnh đến việc trò chơi này buộc phải có dây bảo hiểm đặc biệt, không cho phép người chơi đồng thời mở được hai móc khóa neo người chơi với dây cáp bảo hộ.
“Ở mọi tình huống, người đu dây mạo hiểm phải được neo vào dây bảo hiểm được thiết kế có mức chịu lực khoảng 2 tấn” - ông Phú nói.
Hành trình đu dây được nhắc đến với nhiều tên, khái niệm bao gồm Challenge Courses (hành trình thử thách), Rope Challenge Courses (hành trình thử thách đu dây), Team Courses (hành trình đồng đội) và nhiều tên gọi khác. Mỗi tên gọi có cách thức triển khai gần giống nhau và có liên quan tới hoạt động huấn luyện trong quân đội.
Theo huấn luyện viên Ngọc Huy, khi chơi thì hớn hở chứ về nhà thở ra khói. Phải chuẩn bị tâm lý cho việc chân tay mỏi nhức vài ngày. “Nguyên lý của trò chơi buộc người tham gia phải vận dụng sức khỏe cơ bắp liên tục, những thiết bị bảo hộ chỉ đảm bảo an toàn chứ không trợ lực” - Huy bảo.
Nhà thiết kế trò chơi Siu Hrill chỉ tay về phía một bạn trẻ đang ngồi thở dốc dưới gốc thông to: “Bạn đó mới đu như người nhện trên tấm lưới bự giăng giữa hai gốc thông. Không buông tay giữa chừng chứng tỏ gân cốt cũng ngon lắm”.
Là người tham gia thiết kế trò chơi ngay từ đầu cùng các kỹ sư Pháp và Indonesia, Siu Hrill cho biết các cây thông dùng để neo dây cáp và nhiều thiết bị bảo hộ phải được một nhóm chuyên gia của Pháp đo tuổi, sức khỏe cây và dùng nhiều phép tính phức tạp để cho ra những thông số chịu lực.
“Những cây thông không hề bị đục lỗ dù lượng thiết bị cần treo trên cao rất nhiều” - Siu Hrill khẳng định.