Ise Jingu hay còn gọi là Thần cung Ise là một quần thể đền Thần đạo thờ phụng nữ thần mặt trời Amaterasu-Omikami, nằm ở tỉnh Mie, Nhật Bản.
Những ngày này, Thần cung Ise, được mệnh danh là linh thiêng nhất Xứ sở Mặt trời mọc, được nhiều người biết đến hơn khi Mie trở thành địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) vào hai ngày 26-27/5 tới.
Khởi công từ thế kỉ thứ 5, Ise Jing được xây dựng để tôn vinh Amaerasu - Omikami, nữ thần mà các gia đình hoàng tộc ở Nhật Bản tin rằng họ chính là con cháu của bà. Quần thể này rộng hơn 5.500 ha và chiếm một phần năm diện tích thành phố Ise.
Hàng ngày, tại Ise Jingu đều cử hành các nghi lễ tôn giáo cầu nguyện mùa màng bội thu, quốc gia thịnh vượng và gửi lời cảm tạ tới thiên nhiên.
Nội cung Naiku
Thần cung Ise có 125 đền bao quanh hai ngồi đền chính là Naikū (Nội Cung) và Geku (Ngoại Cung).
Naiku nằm ở thị xã Uji-tachi, phía Nam trung tâm thành phố Ise và được dành riêng cho việc tôn thờ thần Amaterasu - Omikami.
Geku cách Naiku khoảng 6 km và là nơi thờ thần Toyouke - Omikami, vị thần nông nghiệp và công nghiệp.
Cứ 20 năm một lần, người dân Nhật lại xây dựng lại Naiku một lần nhằm duy trì và gìn giữ để ngôi đền trường tồn với thời gian. Điểm đặc biệt của ngôi đền này là không tu sửa mà chúng được đập ra và xây mới lại hoàn toàn và ngôi đền mới có những điểm khác với đền cũ. Đây cũng là cách thể hiện quan điểm của Thần Đạo về sự sống, cái chết và sự hồi sinh. Vật liệu xây dựng được làm từ gỗ từ khu rừng xung quanh có tuổi đời hàng thế kỉ nên rất chắc chắn. Đến nay, Naiku đã được tái tạo tới 62 lần.
|
Nội cung Naiku. (Nguồn: Yamasu) |
Tương truyền Naiku là nơi đặt Gương thần, một trong ba báu vật linh thiêng của Hoàng gia, đã được chính Nữ thần Mặt Trời trao cho Thiên hoàng đầu tiên. Bởi thế, công chúng gần như không được tiếp cận Nội cung – nằm ẩn sau các hàng rào gỗ cao. Đến năm 1945, Thần cung gần như tách khỏi thế giới bên ngoài bởi dòng sông Miyagawa, được coi như biên giới giữa vùng đất thường và đất thiêng.
Đặc biệt, những người có trách nhiệm trông coi khu đền phải có xuất thân từ Hoàng gia Nhật Bản.
|
Ngoại cung Geku. (Nguồn: Yamasu) |
Đây được xem là nơi du lịch thiêng liêng nhất ở Nhật Bản. Mỗi ngày có rất nhiều du khách nước ngoài và người dân Nhật Bản đến viếng và cầu nguyện. Khách viếng đền không được vào trong mà chỉ được cầu nguyện ở cửa vào đền, sau những bức tường cao. Du khách muốn chụp hình cũng phải đứng ở một khoảng cách nhất định.
Nghi thức tẩy trần
Tất cả các ngôi đền Thần Đạo ở Nhật Bản đều có một nghi thức mà bất cứ người dân nào cũng không bỏ qua. Đó là nghi thức thanh tẩy trước khi bước vào đền chính. Đó là dùng nguồn nước trong bể chứa của ngôi đền rửa tay, rửa mặt với tâm niệm đến gặp các vị thần với một tâm hồn đã được gột sạch bụi trần.
|
Du khách thực hiện nghi thức tẩy trần. (Nguồn: Yamasu) |
Trước khi vào thăm các ngôi đền, du khách phải tẩy trần trong các temizusha, những ngôi nhà chứa nước. Tại đây, bạn phải rửa sạch tay và miệng. Ban đầu là rửa tay phải rồi đến tay trái và cuối cùng là đổ một chút nước vào lòng bàn tay phải rồi uống một ngụm.
Tại Naiku, khách tham quan sẽ ghé vào ngôi nhà gỗ Chozusha tọa lạc bên cạnh lối đi lớn dẫn vào đền, tiến hành nghi thức thanh tẩy.
Tuy nhiên, cũng có những người đi xuống bờ sông Isuzu để tầy trần. Dòng nước mát từ con sông Isuzu dường như khiến cho du khách cảm thấy mình đã được tiếp một nguồn sinh lực, giúp cho tâm hồn trở nên thanh sạch hơn.
|
Du khách cũng có thể làm nghi thức tẩy trần ở sông. (Nguồn: Yamasu) |
Người dân Nhật Bản có truyền thống thực hiện các chuyến hành hương đến Ise Jingu, đến với đất thiêng và vùng đất linh thiêng. Để cầu nguyện, khách phải ném một đồng xu vào hòm công đức, vỗ tay 2 lần, cúi đầu 2 lần rồi mới bắt đầu cầu khấn. Tương truyền, có rất nhiều vị thần sống ở Ise Jingu. Ngay cả những tảng đá ngoài đền cũng được coi là nơi thần linh trú ngụ. Người ta đồn rằng những tảng đá thiêng này truyền nhiệt. Rất nhiều du khách đã hơ tay ở đây để kiểm chứng.
Hiện Ise Jingu là một trong những điểm du lịch hấp dẫn của Nhật Bản với 8,38 triệu khách trong và ngoài nước viếng thăm trong năm 2015.
Hà An
(tổng hợp)
Theo Thế giới & Việt Nam
|