Thứ Năm ngày 31/03/2016
(HNM) - Mới đây, Thủ đô Hà Nội đã bị chuyên trang du lịch nổi tiếng thế giới TripAdvisor đánh tụt hạng từ vị trí 4/25 (năm 2015), xuống vị trí 8/25 (năm 2016). Trong khi đó, theo báo cáo của Cục Thống kê Hà Nội, trong quý I-2016, lượng khách quốc tế đến Hà Nội lại tăng 28,7% so với cùng kỳ năm trước.
Rõ ràng, trong cái mừng, cũng có nỗi lo. Vấn đề quan trọng đặt ra là làm sao để mừng ít hơn lo, giúp ngành "công nghiệp không khói" phát triển bền vững.
Lo lắng không thừa
Những năm qua, ngành du lịch đã dần khẳng định vai trò, vị trí là một ngành kinh tế lớn, có tốc độ tăng trưởng ổn định, đóng góp hiệu quả vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố. Trong giai đoạn 2010-2015, dù gặp nhiều khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế, nhưng lượng khách du lịch vẫn tăng bình quân trên 10%. Năm 2015, du khách đến Hà Nội đạt 16,43 triệu lượt khách nội địa, 3,36 triệu lượt khách quốc tế, tăng 2 lần so với năm 2010. Tổng doanh thu đạt 55.539 tỷ đồng.
Thị phần khách quốc tế của Hà Nội ngày càng lớn, từ chỗ chỉ chiếm khoảng 30% cả nước giai đoạn 2000-2010, nay đã chiếm tỷ trọng khoảng 40%. Theo báo cáo của Cục Thống kê Hà Nội, trong quý I-2016, khách quốc tế đến Hà Nội ước đạt 761.000 lượt người, tăng 28,7% so cùng kỳ năm trước; riêng trong tháng 3, khách quốc tế vào Hà Nội khoảng 256.000 lượt khách, tăng 17,1% so cùng kỳ năm ngoái.
Thế nhưng, mới đây, theo xếp hạng của TripAdvisor, Hà Nội đã rơi từ vị trí 4/25, xuống còn 8/25 điểm đến được yêu thích nhất trên thế giới. Phải chăng du lịch Hà Nội đang tụt dốc? Theo ông Đặng Tiến Đạt, đại diện Lạc Hồng Travel, đánh giá của trang web trên là hoàn toàn khách quan và chính xác, bởi để có được kết quả này, TripAdvisor đã thu thập hàng triệu ý kiến và đánh giá của những người truy cập trang web trong suốt một năm. "Tuy nhiên, du khách đến Hà Nội thường là những đối tượng khác nhau, có sở thích riêng và mỗi du khách lại chọn những hành trình riêng biệt, dẫn đến đánh giá khác nhau. Chẳng hạn, có du khách khi đến Hà Nội thấy rất ấn tượng, song khi đến thành phố khác họ lại thấy ấn tượng hơn nên đánh giá cao hơn. Nhiều khi việc đánh giá còn phụ thuộc vào sở thích của du khách, chứ không chỉ đơn thuần là các yếu tố: Sản phẩm, dịch vụ, môi trường, an ninh..." - ông Đặng Tiến Đạt chia sẻ.
Ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Lữ hành Hanoitourist cho rằng, có một thực tế là không phải thành phố nào cũng được xếp hạng và giữ được mãi vị trí đó, mà sẽ có lên, có xuống. Hà Nội được xếp là một trong 10 điểm đến yêu thích đã là quý. Để duy trì vị trí thì sự cố gắng của riêng ngành du lịch Hà Nội vẫn chưa đủ, mà còn nhiều ngành liên quan. Bởi lẽ, tất cả những việc khiến khách du lịch buồn lòng, chưa hẳn liên quan đến ngành du lịch, nhất là đối với những khách đi lẻ, bắt taxi từ sân bay về, bị chặt chém thì cũng khó cho ngành du lịch, vì ngành du lịch không quản lý các hãng taxi. "Từ vị trí số 4 rơi xuống số 8, chúng ta phải suy nghĩ, song không nên quá bi quan, mà phải cùng nhau hỗ trợ ngành. Đây cũng là dịp để ngành du lịch Hà Nội nhìn lại mình" - ông Lưu Đức Kế nhận định.
Xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn
Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, nạn chèo kéo, chặt chém, lừa đảo chỉ là đơn lẻ, nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh của Thủ đô. Do đó, thời gian tới, ngành du lịch Hà Nội tiếp tục phối hợp với thanh tra, công an, chính quyền các địa phương kiên quyết xử lý các tệ nạn này. Về lâu dài, Sở Du lịch sẽ xây dựng sản phẩm chuyên biệt để giới thiệu với du khách. Với sản phẩm này, mỗi đoàn khách du lịch sẽ được giao cho một đơn vị lữ hành đưa đi, đón về từ đầu đến cuối hành trình và với sự quản lý chặt chẽ, quy trình khép kín thì sẽ không có cơ hội cho các tệ nạn tồn tại.
Theo ông Đỗ Đình Hồng, điều quan trọng nhất để thu hút du khách là Hà Nội phải tạo ra các sản phẩm hấp dẫn, đặc trưng của Thủ đô và dịch vụ hoàn chỉnh, ấn tượng. Chính vì vậy, thời gian tới, Hà Nội sẽ nâng cấp điểm đến tại một số điểm di sản văn hóa trên địa bàn; đầu tư các điểm dừng chân cho khách du lịch tại khu vực nội đô và tổ chức biểu diễn văn hóa, nghệ thuật phục vụ du lịch tại một số rạp của Thủ đô và một số điểm trong khu vực phố cổ...; phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tại khu vực phố cổ - hồ Hoàn Kiếm, khai thác không gian cảnh quan và mặt nước Hồ Tây.
"Chúng tôi sẽ cố gắng tạo nên một không gian văn hóa du lịch Hồ Tây bằng việc khai thác các sản phẩm du lịch trên mặt hồ, như phát triển dịch vụ thuyền buồm du lịch, trình diễn các loại hình nghệ thuật trên mặt nước với ánh sáng laser, pháo sáng, pháo hoa..., kết hợp tuyến du lịch văn hóa tâm linh, cùng với các làng nghề cổ truyền như nghệ thuật trồng hoa cây cảnh, trồng đào Nhật Tân, quất Tứ Liên, cá cảnh Nghi Tàm, Yên Phụ, trồng sen và ướp sen Quảng Bá.
Ngoài ra, ngành du lịch Hà Nội sẽ từng bước tạo dựng con đường du lịch, làng du lịch khu vực ven Hồ Tây gắn với phát triển tuyến du lịch trên sông và hai bên bờ Sông Hồng thành một sản phẩm đặc trưng của du lịch Thủ đô" - ông Đỗ Đình Hồng cho biết thêm.
Lâm Vũ
Nguồn hanoimoi.com.vn
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Du-lich/829740/du-lich-ha-noi-vua-mung-vua-lo-
|