Ngày càng “tân kỳ”
Một anh bạn thân của tôi tếu táo rằng, hẳn khi chụp bức ảnh “Sương khói Sa Pa” để đời, cụ Võ An Ninh chẳng thể ngờ rằng, bỗng một ngày, cái xứ sở huyền bí như một thế giới cổ tích đang ngày càng “tân kỳ”. Anh bạn nói quả không ngoa, vì hôm lên Sa Pa, ấn tượng đầu tiên của tôi đối với xứ sở này là vô số những cửa hàng đầy ắp các sản phẩm lưu niệm hiện đại, với đủ kiểu biển hiệu xanh đỏ tiếng Anh, tiếng Pháp, nom như một góc nào đó ở Hà Nội.
Lần đầu dạo phố, tại trung tâm thị trấn, chúng tôi được “đối nhĩ” với tiếng loa công suất lớn đang phát những ca khúc về… Tây Nguyên vọng ra từ một cửa hàng được thiết kế theo kiểu “thân Thái, mái Mường”. Liếc mắt sang hai bên đường, lại càng “mắt chữ o, mồm chữ a”, bởi các mặt hàng lưu niệm bày bán đều có xuất xứ từ những vùng đất lạ huơ, lạ hoắc đối với Sa Pa. Nào là đàn T’rưng Tây Nguyên, áo giả thổ cẩm mang thương hiệu Việt Tiến nổi tiếng, các loại hàng lưu niệm, đồ chơi trẻ em “mếch-đờ-in” Trung Quốc... Hiếm hoi lắm mới thấy một vài thứ có vẻ như có hơi hướng bản địa như: Những đồng bạc xoè (giả) sáng loáng màu mạ hợp kim, những con hải ly, những cây sáo trúc, những chiếc khèn làm theo dạng mô hình thu nhỏ…
Nhưng vẫn chưa “ấn tượng” bằng hình ảnh đội quân bán quà lưu niệm rong xúng xính trong những bộ trang phục truyền thống của người Dao, người Mông, tay ôm những sản phẩm dệt thổ cẩm, chân líu ríu bước theo các đoàn khách du lịch cả Tây lẫn ta, miệng liến thoắng tiếng Anh, tiếng Việt mời chào: “Mua đi, đẹp lắm, tốt lắm!...”. Khi tôi ra sức “phân bua” rằng mình không có nhu cầu và giương máy ảnh định chụp vài kiểu làm kỷ niệm thì nhận được những cái lắc đầu, những bàn tay che mặt. Đã nghe nhiều đồng nghiệp “dạy bảo” nên tôi “biết ý”, móc ví lấy ra 5000 đồng đưa cho bọn trẻ. Nhất trí ngay…
Trước khi lên tham quan Thác Bạc, cả đoàn chúng tôi ghé quán hàng nằm trên lối vào thác. Một chị người Kinh tay thoăn thoắt như múa trên mẹt cơm lam, thịt xiên, trứng nướng. Thưởng thức thử, nhiều khách trong đoàn phát hiện ra trứng đã luộc trước khi nướng, còn cơm đã được nấu sẵn ở nhà, thủ sẵn cả nồi, đến chỉ việc cho cơm vào ống lam rồi đặt lên vỉ than hồng dăm, bảy phút. Sau khi lên thăm thác, chúng tôi trở về ăn trưa ở khách sạn. Bữa đầu tiên, ngoài thứ đồ uống đặc trưng của Sa Pa là rượu Sán Lùng, chúng tôi được thưởng thức toàn những thứ đặc sản mà miền xuôi cũng rất sẵn: Thịt gà ta chấm muối tiêu lá chanh, ngô chiên, cá quả hấp... Chỉ có duy nhất món “đặc Sa Pa” thì lại có xuất xứ từ… bên trời Tây - đó là cá hồi. Quả là cá hồi nuôi ở Sa Pa có chất thịt ngon thật, nhưng chúng tôi vẫn thấy tiêng tiếc vì không được thử những món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Sa Pa mà phần nhiều, mới chỉ được kể qua… sách báo như mèn mén, cải mèo, cá suối nướng, cơm lam…
Phân chia thu nhập ngay tại “hiện trường”.
Nhạt nhòa văn hóa xứ núi
Trời đã xâm xẩm tối. Lúc này thị trấn đã bắt đầu nhộn nhịp.Từng đoàn khách du lịch bắt đầu đi thả bộ dọc các con phố để tận hưởng không khí đặc trưng của phố núi. Những làn sương mỏng manh thi nhau sà xuống những mái nhà. Chúng tôi dừng lại bên con phố nằm sát quảng trường phía trước nhà thờ, nơi những ngọn đèn cao áp bắt đầu sáng rực, soi rõ những đám đông đang túm tụm chờ đón những giây phút khởi đầu của phiên chợ tình được tổ chức vào đêm thứ Bảy mỗi tuần.
Những tiếng khèn dìu dặt bắt đầu nổi lên. Ngó vào một đám đông, tôi thấy mấy cặp nam nữ còn rất trẻ trong trang phục dân tộc Mông. Con trai thì vừa nhảy quay tròn vừa thổi khèn, con gái nhún nhảy với chiếc ô sặc sỡ quay tít trên vai. Xung quanh, du khách hiếu kỳ bao bọc. Sau một hồi nhảy và thổi khèn mệt phờ, một người trong số họ tay cầm chiếc mũ vải đi một vòng quyên tiền. Các du khách loạch xoạch máy ảnh ghi hình làm kỷ niệm. Một số người móc trong túi lấy ra những đồng tiền lẻ. Nhiều tiếng hô: “Nhảy tiếp đi rồi cho tiền!”. Có anh mặt đỏ rực hơi men, xem chừng là người dưới xuôi lên du lịch trong trang phụ quần đùi, áo may ô tay cầm tờ 10 nghìn, miệng nhăn nhở: “Hôn nhau đi!...”. Tiếng một phụ nữ: “Cái ông này! Chúng nó là anh em đấy…”
11 giờ đêm, những tiếng khèn thưa dần. Du khách bắt đầu tản ra. Bụng chưa thấy đói, nhưng chúng tôi vẫn tìm đến chợ đồ nướng. Vừa nhoay nhoáy lật lật, sấp sấp tảng thịt lợn trên máng than hồng rực, vừa phì phạch quạt, ông chủ quán vừa đắc chí: “Lợn bản xịn đấy, không phải mang từ dưới xuôi lên đâu”.
Còn gì thú hơn khi ngoài trời se se cái lạnh miền sơn cước, được thoả thích ngắm nam thanh, nữ tú xì xụp bên những chảo thắng cố sôi sùng sục dưới bếp củi than khói bốc mù mịt. Nhưng sự thú vị của tôi bỗng bị “cắt” đột ngột khi mắt bị “hút” sang bàn bên cạnh, nơi một đoàn mấy người Tây trẻ ăn mặc hầm hố cùng với vài cô gái người dân tộc ào vào. Rồi những tràng tiếng Anh như gió phát ra từ miệng các cô. Rồi những cái cụng ly kèm những tiếng hô “one hundred percents” (100 phần trăm) ồn ào, huyên náo. Xen kẽ trong “hoạt cảnh” ấy, họ dùng tay xé thịt nướng bón cho nhau, bất chấp những cái nhìn tò mò của người xung quanh… Ghé tai tôi, ông chủ quán hỏi: “Chắc lần đầu lên hả? Hướng dẫn viên du lịch của Sa Pa đấy. Tiếng phổ thông chẳng nói được nhiều, nhưng tiếng Anh thì người Hà Nội cũng phải thua. Mà chịu chơi theo kiểu Tây lắm đấy!...” Rồi ông chủ cười, cái cười đủ để tôi hiểu được ẩn ý của câu nói, bởi trước khi lên Sa Pa, tôi đã được một đồng nghiệp giảng giải về cái sự gọi là bản sắc dân tộc đang có vấn đề đối với một bộ phận các cô gái người Mông đang làm “guide” du lịch ở Sa Pa. Chính anh đã có một bài viết về thân phận buồn của một “guide” như vậy khi “người đến từ bên kia đại dương” trở về quê nhà sau một tuần sống “kiểu Tây” với cô ở khách sạn, rồi để lại cho cô một đứa con gái tóc vàng, mắt xanh…
Một người bán hàng rong đeo bám du khách.
Vĩ thanh
Vài ngày phiêu du ở “miền cổ tích” Sa Pa, tôi nghiệm ra rằng cái sự “chơi” ở Sa Pa thật nghèo nàn, ít điểm đến ngoài bản Cát Cát, Cổng Trời, thung lũng Mường Hoa... Đặc biệt là cái sự khám phá còn mờ nhạt quá bởi những điệu nhảy, tiếng khèn của các chàng trai cô gái người Mông trong các phiên chợ tình đã giảm đi sự bí ẩn và lãng mạn, và buồn hơn, đã nhuốm màu thị trường. Miễn bàn về tiềm năng du lịch của Sa Pa, chỉ có điều người ta lại hăng hái khai thác thành ra làm hỏng cái phong cảnh hữu tình của núi lẫn trong mây, mây bồng núi khiến cho Sa Pa đã giảm sự quyến rũ, đa tình xen chút u uẩn, hoang dã…
Và tôi gọi đó là một Sa Pa không khói sương!
Theo Minh Thúy
Đại Đoàn Kết
http://dulich.dantri.com.vn/diem-den-moi-tuan/con-mot-sa-pa-khong-khoi-suong-20151223085531907.htm