Hành hương về Chùa Thầy vào một ngày đầu đông, chúng tôi có dịp tận hưởng vẻ đẹp thơ mộng và yên bình nơi đây. Chùa Thầy hay còn được gọi là Thiên Phúc tự (Trời ban phúc) - là một quần thể danh lam thắng cảnh đã được nhà nước công nhận di tích Quốc gia đặc biệt. Gắn liền với tên chùa là truyền thuyết về nhà sư Từ Đạo Hạnh trong quãng thời gian tu hành sau cùng của Ngài cho đến ngày thoát xác viên tịch. Tương truyền, Ngài là tổ sư của nghệ thuật múa rối nước và có công lớn trong việc dạy học, chữa bệnh cho người dân ở đây.
Mặt trước khuôn viên Chùa Thầy
... một nét cổ kính giữa kiến trúc hiện đại của cảnh quan xung quanh.
Chùa Thầy với vẻ đẹp thơ mộng mang đậm văn hóa tín ngưỡng cùng kiến trúc độc đáo.
Chùa Thầy là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc dân gian và kiến trúc Phật giáo, là một hợp thể kiến trúc của hai dạng đền và chùa. Tương truyền, Chùa Thầy được xây dựng từ thời Lý (thế kỉ XI), nằm ở chân núi Sài (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội) trên thế đất hình rồng.
Một vài họa tiết trang trí hình con nghê bằng đá trên mái chùa.
Thiên tạo núi Sài Sơn như hình con rồng với nhiều hang động. Người ta ví lòng hang như bụng rồng tưởng chừng như không đáy, được coi là điểm giao nhau của đất và trời.
Từ chân núi tới Chùa Cao (còn có tên là Đỉnh Sơn Tự) là con đường 251 bậc. Tương truyền đây là nơi thiền sư Từ Đạo Hạnh đến tu đầu tiên. Hai bên đường có nhiều cây đại cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm, bám chặt vào những thành vách núi đá.
Từ Chùa Cao đi ngược lên núi là đến đền Thượng, tiếp đó có hang Bụt Mọc với nhiều tảng đá hằn những vết bào mòn khắc họa tiết kỳ lạ. Lối bên phải Chùa Cao là động Phật Tích, tương truyền là nơi Từ Đạo Hạnh thoát xác để đầu thai làm vua Lý Thần Tông. Bởi vậy động Phật Tích còn có tên là động Thánh hóa.
Kiến trúc Chùa Thầy với vách đá cổ kính rêu phong và nhiều họa tiết mang biểu tượng ý nghĩa.
Các bức tượng La Hán với những dáng vẻ khác nhau
Động Thánh hóa – tương truyền đây là nơi thiền sư Từ Đạo Hạnh thoát xác đầu thai làm vua Lý Thần Tông.
Hang tối nhất được gọi là hang Bò, tiếp đó là đến hang Gió (thông hai đầu), hang Nước và chùa Bối Am (còn gọi là chùa Một Mái) dựa vào vách núi. Trên những vách đá tại chùa còn ghi chép lại nhiều bài thơ tức cảnh của Nguyễn Trực, Nguyễn Thượng Hiền, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến...
Những di bút khắc trên vách đá tại núi Sài Sơn.
Ở nơi cao nhất là miệng hang Cắc Cớ. Không biết từ lúc nào, người ta truyền nhau về hang Cắc Cớ là nơi khởi đầu xuống 9 tầng địa ngục, có quỷ án ngữ cổng trời cho các linh hồn đầu thai thoát kiếp... Tương truyền, hang Cắc Cớ còn là nơi tình tự của trai gái ngày xưa trong những dịp hội hè, như ca dao đã ghi lại:
"Gái chưa chồng trông hang Cắc Cớ.
Trai chưa vợ nhớ hội Chùa Thầy".
Do vậy, rất nhiều bạn trẻ hiện nay vẫn tin rằng, chùa Thầy là chốn se duyên linh nghiệm.
Hang Cắc Cớ, nơi lưu giữ những truyền thuyết…, là nơi ngày nay không ít nam thanh nữ tú đến cầu duyên.
Chùa quay mặt về hướng Nam. Bên trái chùa là ngọn Long Đẩu, bên phải dựa vào núi Sài Sơn, nhìn thẳng ra hồ Long Chiểu có hình hàm rồng. Hồ Long Trì nằm giữa đôi cầu Nhật Tiên - Nguyệt Tiên, có tòa tháp thủy đình giữa hồ… Hai cây cầu này do Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan xây dựng vào năm 1602.
Kiến trúc cầu Nhật - Nguyệt Tiên là biểu hiện của trời – trăng, âm – dương đối đãi, hòa hợp tạo thế cân đối.
Có thể nói, chùa Thầy không chỉ mang vẻ đẹp văn hóa tín ngưỡng, nó còn là quần thể thắng cảnh tuyệt đẹp. Đến Chùa Thầy vào những ngày thời tiết giao mùa, vẻ đẹp bình dị, yên ả của nó khiến người ta không khỏi xao lòng.
Hàng năm chùa đón hàng nghìn lượt du khách tới thăm và vãn cảnh.
Vẻ đẹp thơ mộng của chùa Thầy những ngày đầu đông.
Hàng năm, chùa Thầy đón nhận hàng nghìn khách du lịch trong và ngoài nước đến viếng thăm và vãn cảnh chùa. Du khách còn có thêm thú vui mạo hiểm leo núi, khám phá thiên nhiên thơ mộng và hùng vĩ, tận hưởng không khí trong lành, yên tĩnh ở nơi đây.
Hương Hồng
http://dulich.dantri.com.vn/du-lich/mot-thoang-chua-thay-20151122081325735.htm