Hà Giang đẹp không giống với bất cứ một nơi nào khác. Đó là cao nguyên đá hùng vĩ với những vạt hoa tam giác mạch đẹp mê hồn. Hay những phiên chợ với những cô gái Mông sặc sỡ trong trang phục truyền thống ẩn hiện trong những ngôi nhà cổ kính đậm màu thời gian.
Về mặt lý thuyết và thực tế những năm qua, không ai nghi ngờ gì về sự hấp dẫn của vùng đất nơi địa đầu cực Bắc của tổ quốc. Lượng khách đến Hà Giang tăng lên từng ngày đặc biệt là vào những ngày nghỉ cuối tuần. Đây là con số khiến nhiều địa phương khách đang phải ghen tị với Hà Giang. Rất ấn tượng, nhưng cũng lại là vấn đề lớn, bởi những gì đang đang xảy ra ở đây khiến người yêu du lịch phải suy ngẫm.
"Làn sóng" đô thị hóa ở cao nguyên đá khiến cả những người dân bản địa cũng ngỡ ngàng...
Năm ngoái, những người yêu du lịch đã thật sự “sốc” khi địa phương này thực hiện môt loạt công trình bê tông hóa. Điển hình như việc xây thêm khoảnh sân bằng bê tông phục vụ cho du khách tại “mỏm đá huyền thoại” tại hẻm vực Tu Sản. Và gần đây, nhiều người lên Hà Giang còn bất ngờ với những ngôi nhà ngói được lợp bằng tấm lợp pro xi măng thay cho những ngôi nhà ngói âm dương mà người ta thường thấy vài năm trước đó. Thêm vào đó là hình ảnh khu chợ Đồng Văn xưa đã biến mất thay vào đó là những quán cà phê sang trọng.
Thực tế rằng, tất cả những ai đặt chân đến Hà Giang đều mong muốn được hòa mình với thiên nhiên, họ bị kích thích bởi cảm giác trải nghiệm những thắng cảnh hoang sơ, hùng vĩ của một vùng đất trập trùng núi non, khác xa chốn phồn hoa đô hội nhưng nay, đã có nhiều du khách đến đây tỏ ra tiếc nối. “Tôi muốn tìm hiểu văn hóa chợ mà không biết tìm đâu.” – một du khách chia sẻ.
Hà Giang là một tỉnh thuộc vùng núi phía bắc Việt Nam, mặc dù đời sống người dân nơi đây không thể hiện đại như các khu vực trung tâm, nhưng bù lại, họ được trời ban cho những cảnh đẹp có một không hai, nơi mà chẳng một thành phố sầm uất nào có vinh dự sở hữu. Ấy thế mà một trong những khung cảnh tuyệt diệu ấy đã không còn giữ lại được nét hùng vĩ, hoang sơ như cũ.
Giờ đây lên Hà Giang muốn vào vườn Tam giác mạch du khách phải trả 10.000 đồng/người
Vấn đề đáng nói ở đây là địa phương này đang bị quá ảm ảnh về việc phải cải thiện dịch vụ để thu hút khách mà không phân tích đầy đủ về những trải nghiệm, kinh nghiệm của những người đã từng đến
Kế hoạch “nhanh chóng” theo đuổi một cách say sưa mục tiêu phát triển của mình đã khiến nhiều điểm du lịch hấp dẫn bị tàn phá, biến thành những công trình bê tông đồ sộ. Trong khi đó, những sản phẩm mang tính hồn cốt để giữ lại văn hóa vùng cao nguyên đá lại bị thay vào bằng những thứ đồ chơi rẻ tiền có xuất xứ từ Trung Quốc.
Trong khi, rất nhiều người khi nói tới du lịch Hà Giang là nói tới du lịch trách nhiệm, và phát triển bền vững nhưng thực tế lại không phải vậy. Lấy ví dụ, khi đến Đồng Văn đã có rất nhiều du khách đắm say với cảnh sắc nơi đây, nhưng cảm giác ấy lại bị tan biến bởi các nhà vệ sinh tại các điểm dừng trên đây.
Đại diện một công ty lữ hành tại phía Nam chia sẻ rằng: mỗi lần nhìn cảnh khách nhăn nhó sau khi bước ra khỏi nhà vệ sinh là mỗi lần chúng tôi ái ngại. “Khách cũng không phàn nàn, chúng tôi cũng không giải thích được vì họ biết đây không phải là thẩm quyền của chúng tôi”
Thực tế tại các điểm dừng ở vùng cao nguyên đá có rất ít các nhà vệ sinh trong khi đó lượng khách lên Hà Giang ngày một nhiều. Ngay ở khu dịch thự nhà Vương, khách cố tìm cũng chỉ có một nhà vệ sinh duy nhất trong khi đó, hàng ngày có cả hàng trăm du khách tới đây.
Trong khi, các khách sạn thi nhau mọc lên ở thị trấn Đồng Văn, các nhà cao tầng cũng mọc lên san sát thì trái lại, du khách lên đây không tìm thấy một dịch vụ nào ngoài việc “chụp ảnh tự sướng” rồi đăng lên facebook.
“Trước khi lên Đồng Văn tôi đã tìm hiểu rất nhiều về địa danh này qua internet, quả là thú vị nhưng khi lên đây tôi đã cảm thấy thất vọng vì không biết tìm đường để đến nơi đó thế nào. Hỏi lễ tân khách sạn thì họ chỉ nói sơ sơ rằng đi đường này, đường kia. Để Đồng Văn hấp dẫn du khách thì theo tôi Đồng Văn đang thiếu rất nhiều, trong khi một số thứ lại đang thừa. Giá như những du khách đến Đồng Văn người ta có người hiểu được văn hóa bản địa, người ta sẽ yêu mến mảnh đất này hơn.” – đại diện một công ty lữ hành tại Hải Phòng chia sẻ.
Bài, ảnh: Hữu Thắng
http://dulich.dantri.com.vn/du-lich/khach-len-ha-giang-chi-biet-chup-anh-tu-suong-20151025130013971.htm