Khung cảnh thơ mộng suối reo, chim hót giữa không gian xanh mát vào ban ngày còn khi đêm xuống Cheonggyeongcheon lại khoác lên vẻ lộng lẫy với muôn vàn ánh đèn lung linh. Ít ai ngờ rằng chỉ hơn một thập kỷ trước con suối này còn là nơi tá túc của những khu ổ chuột tồi tàn, bẩn thỉu và nặng mùi. Người ta thậm chí còn phải lấp nó đi để che giấu tình trạng ô nhiễm nặng nề, như một nỗi “xấu hổ” của thành phố.
Không gian dịu mát, gió thổi mơn man và tiếng chim chóc ríu rít… níu chân du khách.
NỖI “XẤU HỔ”…
Trải dài 5,8km, suối Cheonggyeongcheon còn có tên tiếng Hán là Thanh Khê Xuyên. Con suối này chảy từ Tây sang Đông qua khu vực trung tâm Seoul, sau đó đổ vào sông Jungnangcheon và hợp lưu với sông Hàn để cuối cùng chảy vào Hoàng Hải. Ngược thời gian trở về thời điểm Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953), những người dân ở các tỉnh thành di cư đến Seoul hòng kiếm kế sinh nhai. Không có nhà cửa, họ phải dựng những căn nhà ổ chuột bên bờ suối Cheonggyeongcheon sinh sống qua ngày. Con suối dần dần trở thành nơi đổ chất phế thải sản xuất và sinh hoạt khiến nó bị ô nhiễm nặng nề.
Dòng suối vẩn lên một màu đen đặc, mùi xú uế bốc lên nồng nặc, nhất là trong những ngày nắng nóng. Cheonggyeongcheon trở thành “nỗi xấu hổ” của thành phố khiến người ta chỉ muốn nó biến mất hoàn toàn. Từ năm 1958, dưới thời Tổng thống Syngman Rhee, các nhà chức trách thành phố đã quyết định bê tông hóa dòng suối, vừa để chôn vùi tình trạng ô nhiễm của nó, vừa tận dụng diện tích phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa. Trong vòng 2 thập kỷ, con suối gần như đã bị san lấp hoàn toàn. Thậm chí, một con đường cao tốc trên cao đồ sộ đã được xây dựng ngay bên trên dòng suối.
Thời đó nơi đây trở thành trục đường chính trong hoạt động giao thông vận tải của thành phố. Cái tên suối Cheonggyeongcheon tưởng chừng mãi mãi trở thành quá khứ. Nhưng rồi dòng suối Cheonggyeongcheon lại có cơ hội sống dậy nhờ một dự án cải tạo mỹ quan thành phố vào đầu thế kỷ XXI. Thị trưởng Seoul lúc bấy giờ, ông Lee Myung-bak đã quyết định tiến hành khôi phục và cải tạo không gian thủ đô của Hàn Quốc.
Mục tiêu của dự án là xây dựng một thành phố Seoul sạch đẹp, thân thiện với môi trường và tái hiện lại những nét lịch sử và văn hóa của dân tộc ở vùng đất trung tâm. Trong đó việc hồi sinh dòng suối Cheonggyeongcheon là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu. … VÀ SỰ HỒI SINH Dự án có kinh phí 900 tỉ won (khoảng 900 triệu USD) đã gây tranh cãi rất nhiều. Con số trích từ ngân sách này quá lớn mà chưa chắc chắn kết quả sẽ ra sao. Hơn nữa, việc phá hủy cả một công trình bê tông của đường cao tốc trên cao và khơi thông lại một con suối lớn không phải là dễ dàng. Nhưng với quyết tâm của mình, thị trưởng Lee đã vượt qua mọi khó khăn chỉ đạo công cuộc cải tạo thành phố. Sau ba năm thi công, dòng suối Cheonggyeongcheon tưởng chừng chết vùi năm nào đã hiện ra trước mắt người dân. Con suối cạn khô giờ được nạo vét và bơm nước.
Hàng ngày, dòng suối đón nhận 120,000 tấn nước đổ vào. Lúc con suối được tái sinh cũng là lúc môi sinh thay đổi. Nhiệt độ trong trung tâm thành phố giảm khoảng 3 độ C, gió cũng thổi nhanh gấp hai lần. Bầu không khí trở nên dịu mát và dễ chịu. Khi cây xanh được trồng và bờ suối được kè chắc chắn, các loài sinh vật cũng tự rủ nhau đến cư trú. Hệ sinh thái được khôi phục trở lại tự nhiên khi trên cây chim chóc làm tổ, dưới nước cá bơi lội hàng đàn. Việc phá bỏ con đường có mức độ lưu thông lớn đã tạo ra một môi trường thông thoáng. Một mạng lưới đường sá dành cho người đi bộ cũng được xây dựng. Người dân cũng có ý thức sử dụng phương tiện giao thông công cộng nhiều hơn, giúp giảm khói bụi và ô nhiễm. Không chỉ đem lại những giá trị về môi trường, suối Cheonggyeongcheon còn góp phần thay đổi đáng kể diện mạo văn hóa và kinh tế trong vùng. Với nền tảng là điểm bảo tồn thiên nhiên giữa lòng thành phố, Seoul tăng cường cải tạo và phục hồi các đặc trưng lịch sử, văn hóa và truyền thống của thủ đô.
Con suối là điểm khởi nguồn cho Vành đai Văn hóa Cheonggyeongcheon kéo lan sang các khu vực Bukchon, Daehangno, Jungdong, Namchon và Donhwamungil. Khu vực này sẽ góp phần giúp giới thiệu đến người dân và khách du lịch hiểu hơn về những nét đẹp trong suốt chiều dài hơn 600 năm hình thành của Seoul. Song song với đó, những lợi thế kinh tế từ dự án cải tạo con suối Cheonggyeongcheon cũng được tập trung khai thác.
|
Đêm xuống, suối Cheonggyeongcheon khoác vẻ đẹp bí ẩn. |
Con suối đã đặt viên gạch vững chắc cho một cơ sở hạ tầng thuận lợi và ưu việt, tạo sức hút đầu tư mạnh mẽ. Các hoạt động kinh doanh ở khu vực này có cơ hội phát triển theo hướng bền vững, đặc biệt là ngành du lịch. Suối Cheonggyeongcheon giúp gắn kết những khu vực ở phía nam và phía bắc sông Hàn vốn trước đây bị chia cắt. Đôi bờ sông đã có những bước phát triển hài hòa và đồng đều, đem lại rất nhiều lợi ích cho người dân. Giờ đây, dù là người dân thủ đô hay khách phương xa ghé tới, trong mắt họ đều hiện lên một con suối Cheonggyeongcheon đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh. Trải dọc hai bên con suối là những hàng cây xanh tươi râm mát, có những đoạn cây rủ bóng xuống mặt nước thật nên thơ. Dòng suối trong veo tinh khiết ào ạt chảy xuôi dòng. Đó đây là những cây cầu bắc bằng các viên đá chắc chắn điểm xuyết suốt chiều dài con suối. Không gian dịu mát, gió thổi mơn man và tiếng chim chóc ríu rít khiến ai cũng cảm thấy thảnh thơi trút bỏ mọi ưu phiền. Khác với vẻ tươi sáng ban ngày, suối Cheonggyeongcheon mang nét bí ẩn về đêm.
Hàng nghìn ngọn đèn được thắp sáng dọc hai bên bờ tạo nên khung cảnh huyền ảo lung linh. Ở những điểm tập trung là hệ thống nhạc nước lộng lẫy với tiếng nhạc hòa với điệu múa của nước. Vào những dịp lễ hội, con suối lại bừng lên với những chi tiết trang trí cầu kỳ và đầy màu sắc. Các hoạt động văn hóa và truyền thống thường xuyên được tổ chức sôi nổi bên bờ sông. Những màn biểu diễn đường phố được phục dựng và tái hiện lại đầy sinh động. Những ngày thường nơi đây đã thu hút người dân đến nghỉ ngơi và giải trí thì các dịp lễ Tết lại càng đông đảo hơn.
Bất kể tầng lớp, lứa tuổi, mọi người đều đến đây đọc sách, tán gẫu hay đơn giản là thảnh thơi nhúng chân xuống làn nước mát lạnh bên dưới. Khung cảnh của thời hiện đại gợi nhớ về suối Cheonggyeongcheon thời xa xưa dưới thời Joseon. Thủa ấy, dòng suối cũng là một điểm sinh hoạt và vui chơi giải trí yêu thích của người dân. Người ta tìm đến dòng suối để giặt giũ, hóng mát và chơi các trò chơi dân gian truyền thống. Và giờ đây, ở thế kỷ XXI, con suối đã tìm lại được đúng ý nghĩa sống của mình khi đem lại những lợi ích về nhiều mặt.
Trong lòng mỗi người dân Seoul ngày nay, suối Cheonggyeongcheon là một niềm tự hào. Con suối đã giúp thay đổi hoàn toàn diện mạo của một thủ đô bị guồng quay công nghiệp hóa cuốn đi. Những nét tự nhiên, đậm chất văn hóa và lịch sử được khơi dậy đã góp phần tạo nên một tổng thể hài hòa cho sự phát triển bền vững của một thủ đô châu Á thịnh vượng. Câu truyện về sự hồi sinh của dòng suối Cheonggyeongcheon cũng là niềm cảm hứng và tấm gương cho nhiều dự án hạ tầng của Seoul và Hàn Quốc nói riêng cũng như của các nước khác nói chung đang được bắt tay vào triển khai.