Hồi sinh từ đổ nát của cuộc chiến tranh Triều Tiên, chính quyền Bình Nhưỡng nỗ lực xây dựng thành phố với những công trình học tập kiến trúc nước ngoài nhưng vẫn mang dấu ấn riêng.
Ga tàu điện ngầm Yongwang được xây dựng năm 1987.
Ga tàu điện ngầm Yongwang được xây dựng năm 1987. Kiến trúc của công trình này học hỏi từ hệ thống tàu điện ngầm của Nga với những hàng cột đá điêu khắc tinh xảo. Nhà ga còn được trang trí bằng nhiều bức tranh khổng lồ về Bình Nhưỡng. Trong lúc chờ tàu, khách có thể ngắm nhìn chúng trên tường.
Ryugyong Hotel, khách sạn hình kim tự tháp 105 tầng, được khởi công năm 1987 nhưng phải dừng lại năm 1992, giai đoạn Triều Tiên lâm vào khủng hoảng kinh tế sau khi Liên Xô sụp đổ. Năm 2008, việc xây dựng được khởi động lại và ba năm sau, phần mặt tiền của khách sạn mới hoàn thiện. Ryugyong Hotel từng được dự kiến khánh thành vài lần, trong đó có dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 cố lãnh đạo Kim Nhật Thành vào năm 2012, nhưng sau đó mọi kế hoạch đều bị hoãn. Ảnh: Oliver Wainwright
Sân vận động May Day ra mắt vào 1/5/1989 nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động. Kiến trúc của nó khiến nhiều người liên tưởng tới hình ảnh của chiếc dù hay bông mộc lan đang nở. May Day được cho là sân vận động lớn nhất thế giới, với sức chứa 150.000 người. Ảnh: Oliver Wainwright
Rạp chiếu phim Taedongmun ở Bình Nhưỡng được sửa sang lại rộng rãi và nội thất hiện đại hơn vào năm 2008, sau 53 năm xây dựng. Ảnh: Koryo Tours
Công viên nước Munsu khánh thành năm 2013. Đây là một trong những dự án giải trí lớn của lãnh đạo Kim Jong-un, gồm bể bơi trong và ngoài trời, sân bóng rổ, khu leo núi trong nhà, tiệm cắt tóc, quán cà phê. Vé vào cửa là hơn 11 USD. Ảnh: KCNA/Reuters
Xem thêm: Kim Jong-un trên báo Triều Tiên
Đài tưởng niệm Mansudae, nơi có hai tượng đồng khổng lồ cao 20 m của người sáng lập Triều Tiên Kim Nhật Thành và cố lãnh đạo Kim Jong-il, theo Guardian. Công trình được khởi công năm 1972 trên đồi Mansu. Đứng từ đây có thể trông thấy sông Taedong. Trước khi chụp ảnh lưu niệm, khách phải đặt hoa dưới chân tượng và cúi người kính cẩn. Ảnh: Oliver Wainwright
Sân vận động trong nhà ở Bình Nhưỡng có sức chứa 20.000 người. Đây cũng là nơi diễn ra nhiều cuộc họp chính trị quan trọng, địa điểm tổ chức các sự kiện thể thao, từ bóng rổ, bóng chuyền tới bóng bàn. Khoảng không gian phía trước công trình trở thành nơi trượt patin lý tưởng của giới trẻ. Ảnh: Oliver Wainwright
Cổng vào cung tưởng niệm Kumsusan, nơi an nghỉ của hai cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il. Công trình được xây dựng năm 1977. Ảnh: David Guttenfelder/AP
Khu phức hợp giải trí Changgwang ra đời trong giai đoạn 1981-1986, với khu vui chơi, bể bơi, spa và tiệm làm tóc. Ảnh: Oliver Wainwright
Khải Hoàn Môn ở Triều Tiên được dựng lên tại nơi ông Kim Nhật Thành có bài phát biểu đầu tiên với người dân thủ đô Bình Nhưỡng năm 1945. Công trình khởi công năm 1982 và được tạo nên từ 25.500 phiến đá granite, tượng trưng cho số ngày tuổi của lãnh đạo Kim Nhật Thành trong lần sinh nhật thứ 70. Nó cao hơn 10 m so với Khải Hoàn Môn ở Paris, Pháp. Ảnh: Oliver Wainwright
Nhà hát Moranbong khánh thành năm 1946 và được trùng tu lại sau khi bị tàn phá trong chiến tranh. Ảnh: Koryo Tours