Trung Quốc
Tại Trung Quốc, mỗi khi đến mùa Vu Lan, người ta đi thăm viếng phần mộ của người thân đã quá cố và sửa sang, quét dọn lăng mộ. Họ cúng thực phẩm và giấy tiền, vàng mã cho những người đã khuất.
Họ đốt giấy tiền, vãng mã để cúng cho người quá cố và tin rằng, khi đốt những đồ hàng mã thì linh hồn người mất sẽ nhận được, nhờ vậy mà các vong linh ấy đỡ khổ, đỡ vất vả, đồng thời không quấy rầy đến công việc làm ăn, sinh sống của người còn sống, ngược lại còn phù hộ cho người sống được ăn nên làm ra.
Trong ngày lễ Vu Lan, chư Tăng thường tổ chức các buổi lễ cầu nguyện cho người đã quá cố. Những khóa lễ đặc biệt được tổ chức ở các chùa suốt cả ngày lẫn đêm trong mùa Vu Lan để cầu nguyện cho các vong linh đã quá vãng, cho những vong hồn đang bị đói khát dày vò nơi cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ được ấm no, an lành. Thường thì người Phật tử ở Trung Hoa tổ chức lễ Vu Lan từ ngày 15 tháng 7 cho đến ngày 30 tháng 7 âm lịch.
Malaysia
Tại Malaysia, ngày lễ Vu Lan còn được gọi là ngày Tổ Tiên, hay là Lễ hội tháng Bảy. Theo phong tục, vào ngày lễ Vu Lan thì người dân nghỉ làm tất cả các công việc đồng áng và cử hành nghi thức siêu độ vong linh.
Nhật Bản
Nếu như ở Việt Nam có lễ Vu Lan diễn ra vào ngày 15 tháng 7 âm lịch hàng năm, thì ở Nhật Bản cũng có lễ Obon báo hiếu diễn ra vào tháng 8 dương lịch hàng năm. Obon hay còn được gọi là Bon (Ngày của người chết), là một phong tục truyền thống của người Nhật theo Phật giáo.
Lễ hội này được tổ chức để tưởng nhớ những người thân đã qua đời. Trải qua thời gian dài, phong tục này đã phát triển thành lễ đoàn tụ gia đình, là thời điểm mọi người trở về quê cha đất tổ thăm viếng, dọn dẹp phần mộ của tổ tiên. Đây cũng là thời điểm mà họ tin rằng linh hồn của những người đã mất được phép trở về thăm con cháu.
Việt Nam
Trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam lễ Vu Lan (nhằm ngày 15/7 âm lịch) từ lâu đã thành một ngày trọng đại, không thể thiếu được trong hệ thống các hoạt động văn hoá tâm linh.
Ngày lễ Vu Lan là dịp “nhắc nhở” các thế hệ con cháu chúng ta nhớ tới công ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ, ông bà, tổ tiên cũng như những đóng góp to lớn của các anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước. Ðồng thời giúp chúng ta tiếp cận được những ý nghĩa giáo dục đầy nhân bản của văn hoá Phật giáo đó là “Từ, bi, hỷ, xả”, “vô ngã, vị tha”, “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”...
Lễ Vu Lan mở ra cả một mùa báo ân, báo hiếu. Theo giáo lý đạo Phật, việc báo hiếu ở đây là báo hiếu đối với cha mẹ, không chỉ ở kiếp này mà còn ở nhiều kiếp khác, bởi Phật giáo luôn nhìn nhận con người trong mối tương quan nhân quả, trong vòng nghiệp háo luân hồi. Và cũng chính vì nhìn nhận dưới góc độ đó mà hết thảy mọi chúng sinh trong xã hội đều có mối quan hệ với nhau. Ðiều này dẫn đến việc chúng ta phải mở rộng phạm vi báo hiếu ra tất cả chúng sinh. “Phổ độ chúng sinh”, “cứu nhân, độ thế”, “xá tội vong nhân”.
Ở Việt Nam và nhiều quốc gia khác vào ngày Vu lan, hàng trăm, đôi khi hàng nghìn người, tập trung đến các chùa để tụng kinh, cầu nguyện cho người quá cố và cúng dường lên Đức Phật. Theo phong tục, vào ngày lễ Vu lan, người dân nghỉ làm tất cả các công việc đồng áng và cử hành nghi thức siêu độ vong linh.
Trước đây, mỗi khi Vu lan đến, người ta đốt rất nhiều giấy tiền, vàng mã, hình nhân và các vật dụng bằng giấy. Theo giáo lý đạo Phật, việc đốt vàng mã này xuất phát từ văn hóa tín ngưỡng dân gian, bắt nguồn từ văn hóa tín ngưỡng Trung Hoa, chứ hoàn toàn không liên quan đến giáo lý đạo Phật - Phật giáo không khởi xướng và không cổ xúy cho vấn đề này.
(Dan tri)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/the-gioi-muon-mau/phong-tuc-le-vu-lan-o-4-quoc-gia-chau-a-20150826153029049.htm