Chuyến khảo sát tour Trường Sa bắt đầu ngày 22/6, mở ra cơ hội trải nghiệm cho đông đảo người Việt Nam.
Mang nụ cười ra với Trường Sa.
Độc đáo
Một trong những trải nghiệm thú vị khi lướt đi trên vùng biển chủ quyền Trường Sa là câu cá đêm. Cần câu máy thường thấy chẳng có tác dụng, vì ở độ sâu gần 200m, phải dùng loại cước to và chắc, không đứt khi vướng phải san hô. Người câu cá thường phải mang bao tay vải, vì những con cá từ chục kí cho đến vài chục kí có thể khiến ngón tay đứt lìa.
Những đêm được thả neo, nam giới đổ ra mạn tàu hoặc phần sau lái thả câu. Thu, chình bông, lượng, mú, chép mỏ vịt... là những loại cá dễ gặp. Nhiều khi cá chuồn theo ánh điện phi qua cửa sổ vào tàu. Một thủy thủ chỉ anh Viễn, thuyền phó 571, giới thiệu “vua câu cá Trường Sa đấy”. Có chuyến các anh câu được cá 30 kg, nghe nói từng bắt được cá mập mấy tạ. Đèn pha phía sau lái rực sáng, mực nổi lập lờ, chỉ cần dùng vợt vớt lên. Nhưng ở khu vực nước sâu và độ mặn rất cao, mực ăn không ngon như khu biển gần bờ.
Hỏi một anh vừa kéo con cá thu chừng 5kg lên mạn tàu, anh bảo cảm giác câu được cá ở Trường Sa rất khác. Những đêm thả câu trong lúc chờ cá ăn mồi, đưa mắt xung quanh nhìn những chiếc thuyền nhỏ của ngư dân dập dềnh trôi qua tàu. Chính họ là những cột mốc sống chủ quyền trên vùng biển của ta, anh này nói.
Một người chụp ảnh có tệ đến mấy, đến Trường Sa cũng dễ thu về cả kho ảnh đẹp. Nào lá cờ đỏ sao vàng bằng gốm trên nóc tòa nhà ở thị trấn đảo Trường Sa. Kia nóc hải đăng Sinh Tồn đặt kính viễn vọng nhìn sang Gạc Ma máu thịt. Đây ngọn hải đăng cao vút tại đảo Sơn Ca - một trong những hòn đảo có khí hậu dễ chịu và rực rỡ hoa giấy-loại hoa chịu được hơi muối và thời tiết khắc nghiệt.
Leo lên tầng cao nhất của mỗi ngọn hải đăng trên đảo nổi như Sơn Ca, Nam Yết, Song Tử Tây để thu hết vào tầm mắt toàn cảnh hòn đảo xanh mướt mát. Cây phong ba, bão táp, tra tạo thành hàng rào chắn bão ở mạn cầu cảng. Phía còn lại là bãi cát thô ráp tiếp nối dải san hô trắng lấp lóa trên màu nước biển xanh ngọc.
Độ đôi ngày cơ thể thích nghi dần, những ai say sóng đều dễ dàng lên boong dạo để tầm nhìn ôm trọn mênh mông biển xanh thẫm, gió lộng. Những trói buộc thường ngày, cảm giác phụ thuộc vào công nghệ tan biến: Không sóng điện thoại, mặc sức ngắm trăng sao lấp loáng một vùng biển đêm. Xa xa có thể thấy những vệt sáng là các tàu ngư dân, hoặc khu vực giàn khoan dầu khí, nhà giàn.
Sang trọng
Đặt chân đến bất kể đảo nổi hay chìm, cột mốc chủ quyền là điểm đến không thể bỏ qua. Chọn góc đứng riêng, đứng cạnh chiến sỹ bồng súng, hay cả đoàn trăm người xếp hàng trước khu vực cột mốc nổi bật dòng chữ ghi kinh độ, vĩ độ mỗi hòn đảo. Nào Song Tử Tây, Đá Nam, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Len Đao, Trường Sa Đông, Đá Tây và không thể thiếu Trường Sa-trái tim của quần đảo.
Hoa bàng vuông nở về đêm - một đặc sản Trường Sa.
Chỉ cần tàu chạy qua khu vực đảo Huy Gơ (Tư Nghĩa) mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép, ban chỉ huy tàu lập tức thông báo mời mọi người ra mạn tàu quan sát. Máy ảnh chuyên nghiệp được trang bị ống kính tốt cũng khó chụp rõ, vì có thể lúc ấy tàu chạy cách đảo 6 hải lý. May mắn hơn, có thể leo lên cabin nhờ ống nhòm của thuyền trưởng. Tòa nhà Trung Quốc xây dựng trái phép trông đồ sộ, có vẻ kiến trúc gotic, cao chừng bảy tầng.
Vùng biển Len Đao, Cô Lin gần Gạc Ma thường là nơi diễn ra lễ tưởng niệm. Từ vị trí tàu neo đậu, máy ảnh có thể chụp được bãi đá mà Trung Quốc cướp từ tay ta năm 1988. Lễ tưởng niệm các chiến sỹ hy sinh tại Gạc Ma thường diễn ra trên boong dạo có sức chứa hơn 200 người - nơi rung lắc mạnh nhất. Để giữ thăng bằng, mọi người chọn thế đứng nghỉ của bộ đội hải quân, siết chặt tay người kế bên để không bị xô đẩy theo nhịp sóng. Là người cứng rắn đến mấy lúc này cũng dễ trào nước mắt. Ý thức chủ quyền trào lên sôi sục trong huyết quản.
Người Việt giờ có thể đi năm châu bốn biển, hà cớ gì không thể hướng ra biển Đông, chạm tới từng hòn đá, tấc đất mang dấu chủ quyền?