Người dân trên hòn đảo ở Ấn Độ dùng cung tên bắn chết những vị khách từ xa đến và lấy đá ném tới tấp vào các máy bay làm nhiệm vụ trinh sát khu vực mình sinh sống.
Dù là kẻ thù hay du khách, người dân trên đảo đều đón tiếp họ bằng cung tên và đá. Ảnh: Oddi.
North Sentinel Island là hòn đảo nằm ngoài khơi Ấn Độ Dương, có lịch sử kéo dài hơn 60.000 năm. Từ trên cao nhìn xuống, hòn đảo đẹp thơ mộng với những bãi biển trải dài, khu rừng rậm xanh mướt. Tuy nhiên, nơi này lại là một trong những điểm đến rất nguy hiểm bởi sự đe dọa từ bộ tộc "cực đoan nhất thế giới" sinh sống.
Người dân trên đảo hài lòng với cuộc sống của họ và luôn tìm mọi cách từ chối giao tiếp với thế giới bên ngoài. Do đó, du khách hay ngư dân đặt chân đến vùng đất này đều bị tấn công quyết liệt.
Năm 2006, thổ dân đã giết chết hai người đàn ông đang bắt cá bất hợp pháp quanh khu vực của họ. Thậm chí, máy bay tầm thấp của chính phủ tới trinh sát còn bị ném đá và bắn tên để tiêu diệt "mục tiêu".
Do thực hiện chính sách "bế quan tỏa cảng" và quá nguy hiểm khi tiếp cận, rất ít người ở thế giới bên ngoài biết ngôn ngữ, văn hóa cũng như nghi lễ của dân trên hòn đảo. Không có nhiều bức ảnh chụp cận cảnh North Sentinel Island và hầu hết các clip quay về cuộc sống nơi đây chất lượng đều rất kém do phải ghi hình từ xa. Ước tính bộ lạc có khoảng vài trăm người.
Hòn đảo từ trên cao nhìn xuống trông rất thơ mộng nhưng không ai dám tiếp cận do tính chất hung hăng của thổ dân. Ảnh: Survivalinternational.
Hiện nay, thổ dân ở đây vẫn ăn mặc gần như trần truồng và sống nhờ săn bắn, đánh bắt. Đổi lại, họ hoàn toàn miễn dịch với các căn bệnh thông thường như cảm cúm, sởi... do không bị lây nhiễm.
Tuy nhiên, người dân trong bộ lạc phải đối mặt với một nguy cơ lớn. Đó là khả năng bị xóa sổ vĩnh viễn nếu gặp phải một dịch bệnh lớn và không được chữa trị kịp thời.
Chính phủ Ấn Độ đã nhiều lần cố gắng thiết lập mối liên lạc với những người dân ở đảo này. Dù vậy, các nỗ lực đều thất bại. Do tính chất nguy hiểm, chính quyền buộc phải từ bỏ mong muốn can thiệp vào cuộc đời của người dân trên đảo, đồng thời để họ tự chọn cách sống riêng cho mình.