Mẫu Sơn được gắn với nơi có tuyết rơi đẹp nhất ở Việt Nam. Tôi chưa được đến Mẫu Sơn mùa tuyết rơi để cảm nhận về một Mẫu Sơn bảng lảng hay thâm trầm trong tuyết trắng. Tôi đến Mẫu Sơn vào một ngày chớm hè vừa lơi lơi khỏi cái rét nàng Bân, cái lạnh vừa chợp mắt, cái nóng thập thò.
Sáng sớm đầy sương mờ trên đỉnh Mẫu Sơn
Từ Hà Nội theo quốc lộ 1A chạy khoảng gần 170 km, đến thành phố Lạng Sơn, đi 15km rẽ theo quốc lộ 4B hướng Lạng Sơn – Lộc Bình đến ngã ba Mẫu Sơn. Rồi tiếp 15 km chỉ có núi giăng núi, núi lượn núi với những khúc cua cùi chỏ thúc hết sườn trái rồi sườn phải liên tục, chỉ cần sơ sẩy tay lái là lao ngay xuống vực. Có lẽ đây là hành trình thứ 2 sau lần đi phượt cao nguyên đá Đồng Văn-Hà Giang cho tôi cảm giác rờn rợn da gà trong sự phiêu lưu kỳ vĩ của thiên nhiên.
KỲ THÚ MẪU SƠN - VIETNAM DISCOVERY "Mau Son landscape"
Cung đường hiểm trở lên đỉnh Mẫu Sơn
Thế rồi xe lên đỉnh núi cao 1.118 mét, Mẫu Sơn hiện lên êm đềm trên nền biệt thự, lâu đài, nhà thờ cổ từ thời Pháp thuộc ngơ ngơ hoang dã trong bóng nắng chiều. Có cảm giác như tôi đi lạc vào một khung cảnh châu Âu. Được biết gần 100 năm trước, người Pháp đã phát hiện ra Mẫu Sơn như một viên ngọc được giấu kín giữa rừng già và đã xây dựng là nơi nghỉ dưỡng như Sa Pa, Đà Lạt.
Tôi vào khách sạn có cái tên Hương Xưa là một ngôi biệt thự cổ ở trên đỉnh cao nhất, không thiếu vẻ lạnh lẽo và ẩm thấp bởi những cơn gió nồm. Anh chàng chủ ngôi biệt thự có đôi mắt của người cả cuộc đời thuộc về những đỉnh núi cao, con ngươi màu nâu dài dại nhìn khách nở nụ cười buồn buồn “Khách sạn tốt nhất rồi đó cô, một sao đấy!”...
Một trong những biệt thự cũ bị bỏ hoang ở Mẫu Sơn
Chiều lờ đờ xuống, bóng tôi liêu xiêu trên đỉnh Mẫu Sơn bạt ngàn gió núi. Gió thông thốc gầm rú như muốn hất tung những bức tường loang lổ rêu lờn lợt cam, úa màu thời gian của những ngôi biệt thự Pháp còn sót lại. Xa xa những vạt núi xám im lìm, những thung lũng chênh chao, dăm ba con bò thong dong gặm cỏ trong nắng lợt, khung cảnh cô quạnh kỳ lạ níu lòng tôi chùng xuống mênh mang…
Bà chủ quán nước, gọi là quán nước cho oách thôi chứ có lèo tèo vài ba chai nước và ít bánh, giọng Hà Nội phát âm “Nội” thành “lội” dưới chân ngôi biệt thự cổ, quán chỉ hở một ô cửa, có bộ bàn gỗ chân xiêu vẹo kê bên trong, cửa ngoài khóa im ỉm, khi thấy tôi đập cửa mới ra mở, gió hất những ô cửa sổ sơn xanh gần đó đập thình thịch, bà chủ quán nước không nén nổi tiếng thở dài ù ập trong gió “Ở đây khí hậu khắc nghiệt lắm cô ạ, mùa lạnh thì lạnh đến không sống nổi, còn mùa hè thì oi nồng gió núi đến đảo điên nhà cửa… không “nàm” (làm) ăn chi được”…
Tôi nhấp một ngụm trà nóng, tay mân mê trên thành ly nhìn làn khói vướng vít trong gió và nghe những mảng gió núi quất thẳng vào bờ đá, lúc ào ạt, lúc rầm rập như đoàn xe lửa chạy qua, lúc lại tru lên như bầy sói giữa đại ngàn thảo nguyên hoang vắng.
Lối đi vào những ngôi biệt thự đầy hoang sơ
Trong không gian âm u tiếng gió, hai vị khách đường xa cũng lên đây vào mùa lạc tuyết ngồi đăm chiêu chia chia sẻ với nhau chén rượu Mẫu Sơn, còn thoảng nghe vị thơm lừng hương gạo nương ngâm rễ cây thuốc người Dao. Bên vạt hoa dại vàng tươi những bậc thang đá tràn rêu và cỏ dại, một đôi trai từ Sài Gòn ra, đang vợt những chú bướm, theo như lời tán tỉnh của họ với tôi sau này thì họ bắt bướm để nghiên cứu hệ sinh thái vùng núi này.
Đỉnh Mẫu Sơn không có chợ, hầu hết những người ở đây là người dân tộc Dao, họ líu lo với nhau bằng tiếng dân tộc mình. Lẻ tẻ từng nhóm quây quần bán mật ong rừng, hoa lan rừng, chanh rừng, lá thuốc, mắc cọp, đào, những lọ măng ớt, những bình rượu ngâm lá cây, rễ cây rừng… Không có xôn xao tiếng trẻ con, người già chèo kéo khách như ở phố Cầu Mây Sapa mà tôi từng đến nên cũng mất...vui.
Cảnh mua bán hiu hắt dưới chân những biệt thự cổ
Khi lang thang núi, tôi vào một ngôi nhà cổ đổ nát nằm trên một sườn núi, một đôi trai gái từ trong cái thâm cung hoang vu rừng rú ấy đi ra, anh chàng cho tôi xem một con rết to bằng ngón tay, dài bằng nửa chiếc đũa mà anh chàng mới bắt được. Cô nàng cười rõ tươi rồi nói: Bố em bảo con rết này ngâm rượu uống hết nhức mỏi!
Khi đôi trai gái kia khuất rồi tôi đu mình ngồi trên khung cửa sổ trống hoác, thấy trên vách tường có dòng chữ “cụ Mó đã đến đây”. Chả biết cụ Mó này là một anh chàng hay là một cậu nhóc? Và có bao giờ “cụ” sẽ trở lại nơi này để khoe với người tình của mình đấy anh đấy, anh đã từng đến Mẫu Sơn này đấy.
Từ ô cửa sổ này tôi chợt nhìn thấy hai quả đồi kề nhau trông như hai bầu vú căng tròn.Tôi thả dốc tới đó, bất ngờ một khung cảnh kì ảo trước mắt tôi ở trên đỉnh một bầu vú là một bầy trâu nằm ngắm trời đất. Khi tôi leo lên đồi thấy kẻ lạ, bầy trâu đồng loạt đứng dậy làm rung lên những tiếng mõ bằng gỗ choàng trên cổ chúng.
Có lẽ tôi chưa bao giờ được nghe một bản hòa tấu bộ gõ thô mộc mà hoang dã, gợi cảm đến như thế nhưng rồi cũng cô đơn một cách kỳ lạ như thế trong sự giục giã của những cơn gió núi..