Giữa cái lạnh mùa đông, tới Yên Bái, trải nghiệm cảm giác ngâm mình giữa suối nước nóng sẽ giúp bạn sảng khoái, xua tan mệt mỏi.
Những bể tắm được xây cạnh suối nước nóng, thu hút cả người bản địa lẫn khách du lịch .Ảnh: Chesuoigiang.
Yên Bái là tỉnh miền núi, nằm giữa vùng Tây Bắc - Đông Bắc và Trung du Bắc bộ. Phía Bắc giáp tỉnh Lào Cai, Hà Giang, phía Nam giáp tỉnh Phú Thọ, phía Đông giáp Tuyên Quang và phía Tây giáp tỉnh Sơn La, Lai Châu. Huyện Văn Chấn của Yên Bái có rất nhiều suối nước nóng nổi tiếng. Trong đó suối nước nóng bản Hốc xã Sơn Thịnh, suối bản Co Cọi ở xã Sơn A và suối nước nóng Tú Lệ được mọi người ưa thích hơn cả.
Thời điểm lý tưởng
Địa danh nổi tiếng nhất của Yên Bái chính là ruộng bậc thang Mù Cang Chải. Đến với Mù Cang Chải vào khoảng tháng 5-6 hoặc tháng 9-10 bạn sẽ lần lượt được chiêm ngưỡng sự kỳ ảo của ruộng bậc thang mùa đổ nước và ruộng bậc thang mùa lúa chín. Ngoài ra, đi du lịch Yên Bái vào khoảng từ tháng 9-11 khá thích hợp, lúc này mùa mưa của Tây Bắc cũng đã hết, thời tiết chưa chuyển sang cái lạnh của mùa đông. Tuy nhiên, thời điểm này hằng năm (khoảng tháng 12 - tháng 1) thì bạn vẫn có thể đến Yên Bái để trải nghiệm việc ngâm mình trong các con suối nước nóng giữa cái lạnh mùa đông của miền Bắc.
Phương tiện di chuyển
Từ Hà Nội, có hai đường chính để lên Yên Bái đó là Quốc lộ 32 và Quốc lộ 70. Nếu di chuyển bằng xe máy hoặc ôtô riêng để đi các huyện Văn Chấn bạn sẽ đi theo hướng Quốc lộ 32, còn để đi về hướng TP Yên Bái các bạn sẽ đi theo Quốc lộ 70.
Xe khách đi Yên Bái có khá nhiều và chạy thường xuyên tại Bến xe Mỹ Đình, tuy nhiên đa phần các tuyến xe này đều có điểm dừng cuối tại Bến xe Yên Bái. Nếu các bạn muốn đi Văn Chấn, hãy sử dụng các tuyến xe khách chạy Lai Châu.
Các điểm tắm suối nước nóng ở huyện Văn Chấn
Bản Co Cọi, xã Sơn A
Từ huyện Văn Chấn, bạn đi tiếp Quốc lộ 32A khoảng 37 km sẽ đến trụ sở Ủy ban nhân dân xã Sơn A, rẽ trái, theo đường liên thôn 2 km là tới danh thắng suối nước nóng bản Co Cọi.
Bắt nguồn từ suối Cài chảy dọc theo thung lũng Nậm Cài, tới địa phận bản Co Cọi thung lũng Nậm Cài mở rộng, dòng suối uốn quanh bên cánh đồng xanh huyền ảo, thấp thoáng những ngôi nhà sàn dân tộc Thái trong sương mai. Tại bãi bồi xuất lộ nhiều điểm phun nước nóng.
Được nhân dân xây dựng với đường kính 4m, sâu 2m; xây tường bao quanh và có 6 bể tắm ngoài trời, hiện nay một số tư nhân đang khai thác và xây dựng thành 3 khu nhà tắm, gồm 50 phòng tắm, có hệ thống dẫn nước từ bể chính vào từng phòng tắm. Với giá vé 10.000 đồng/người, mỗi ngày khu nhà tắm cũng đem về bình quân 300.000 đồng.
Bản Hốc, xã Sơn Thịnh
Bản Hốc là một bản bình yên của người Thái cách trung tâm huyện Văn Chấn khoảng 5 Km. Bản làng từ lâu được du khách yêu thích khám phá cung đường Tây Yên Bái chọn làm trạm dừng chân đầu tiên, nạp nguồn năng lượng mạnh mẽ cho những cung đường gay go kế tiếp.
Tại đây có dòng suối Nhì bắt nguồn từ Thác Hoa ở Trạm Tấu chảy đổ xuống, qua đèo cao thung sâu mang đầy khí trời, hơi gió nên quanh năm mát mẻ. Khi dòng Nhì chảy qua bản Hốc xã Sơn Thịnh thì sinh nguồn nước nóng. Nhiệt độ dòng suối trung bình từ 50 đến 60 độ C với độ khoáng khá tốt. Du khách có thể chọn hồ khoáng nóng do người dân bản xây với chi phí 7.000 - 10.000/ người, còn với những ai yêu thiên nhiên hoang sơ có thể ra đồng ngâm mình dưới lòng suối thỏa thích hít thở khí trời.
Xã Tú Lệ
Các cô gái ở Tú Lệ vẫn còn tục lệ tắm tiên.
Từ Văn Chấn, theo Quốc lộ 32 lên Mù Căng Chải, trước lúc vượt sừng trời (đèo Khau Phạ), sẽ thấy Tú Lệ đột ngột hiện ra với mùi lúa nếp chín thơm ngào ngạt. Xã Tú Lệ nằm trọn trong lòng thung lũng khá rộng, với 172 ha ruộng nước.
Ở Tú Lệ, có hai bể tắm nước khoáng nóng ngay cạnh dòng suối mát và bên bờ là ruộng nương chín vàng. Một bể tắm rất nóng và một bể tắm ấm. Việc tắm nóng nhiều hay ít là tùy ý mỗi người. Mỗi khi chiều xuống, sau một ngày lao động vất vả thì những cô gái Thái lại kéo nhau xuống dòng suối Tú Lệ, tự nhiên trút bỏ xiêm y và trở thành những nàng tiên giữa đất trời.
Vào mùa lạnh cuối năm: các suối và giếng khoáng bốc hơi nghi ngút, thoảng mùi H2S và lưu huỳnh với nhiệt độ trung bình khoảng 45 độ C, rất tốt cho sức khỏe. Lữ khách tới đây cũng có thể cùng tắm, các chàng trai cũng được phép tắm chung, được hòa mình vui đùa giữa thiên nhiên, nghỉ ngơi hay thư giãn trong làn nước nóng thoang thoảng mùi hăng hăng của lưu huỳnh giữa thiên nhiên cùng tiết trời hanh hanh lạnh.
Bạn cũng có thể vọc nước, trò chuyện với các chị, các cô gái xinh xắn má đỏ hây hây nhưng tuyệt đối phải giữ khoảng cách và không được có những hành vi xấu, nếu không sẽ bị trai bản và pháp luật trừng phạt.
Nghỉ ngơi
Ngoài danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã được công nhận, những địa điểm du lịch khác ở Yên Bái chưa có nhiều du khách biết tới, thường chỉ là những bạn trẻ ưa khám phá và thích xê dịch. Chính vì thế nên các cơ sở lưu trú tại các khu vực này chưa có nhiều (ngoại trừ TP Yên Bái là trung tâm của tỉnh), thường chỉ có các nhà khách của UBND huyện. Bạn có thể đặt phòng trước ở nhà khách của UBND huyện Văn Chấn hoặc tìm các nhà nghỉ ở trung tâm thị trấn Văn Chấn.
Ăn uống
Xôi Ngũ Sắc, đặc sản vùng Tây Bắc. Ảnh: BaoYenBai.
Nếu có dịp đến với mảnh đất cửa ngõ của Tây Bắc này, bạn đừng quên bớt chút thời gian để khám phá, tìm hiểu cũng như thưởng thức các đặc sản này. Chắc chắn là bạn sẽ có những ấn tượng rất khó quên, có thể kể đến như: nếp Tú Lệ, xôi ngũ sắc, táo mèo, lạp xưởng hun khói, rượu thóc La Pán Tẩn, mắc khén, muồm muỗm rang Mường Lò, dế chiên giòn, châu chấu rang, cua suối rang, bánh chưng đen Mường Lò, rau dớn Mường Lò, ruốc tôm Mường Lò ăn kèm với xôi nếp Tú Lệ, măng vầu cuốn thịt, rêu suối, món ăn của người Thái, măng chua héo, trứng kiến, mọc vịt Lục Yên, cá sỉnh trên dòng Nậm Thia, mắm tép hồ Thác Bà, chè suối Giàng.