Di sản thiên Sơn Đoòng có thể sẽ rơi vào lãng quên, giống như vàng hay kim cương nằm ở đáy biển nếu không có du khách - Phó tổng cục trưởng Du lịch nêu quan điểm.
Sơn Đoòng là hang động lớn nhất thế giới với hệ sinh thái riêng biệt. Ảnh: National geographic
Thừa nhận lo lắng của dư luận trước việc UBND Quảng Bình có ý định xây cáp treo vào Phong Nha - Kẻ Bàng, trong đó ga thứ hai cách cửa hang Sơn Đoòng 300 m - là chính đáng, nhưng ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng dự án đang ở bước khảo sát, nên tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức hay doanh nghiệp thực hiện công việc được thuận lợi, từ đó mới đưa ra kết quả khách quan, nghiêm túc. Ông Siêu cũng nhận định, nếu không có những doanh nghiệp tiên phong dám nghĩ, dám làm thì những nơi hoang sơ sẽ mãi rơi vào cảnh "đắp chiếu".
Theo quy định, sau khi có kết quả khảo sát, chủ đầu tư sẽ đề ra phương án, lập dự án, căn cứ vào kết quả này, UBND tỉnh Quảng Bình phải xin ý kiến công chúng và cơ quan chức năng như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UNESCO, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ông Siêu cho rằng, giá trị di sản phải được trân trọng và làm sao để nó sống và phục vụ người dân. Nhu cầu thưởng ngoạn và chung sống với thiên nhiên của con người là lợi ích không thể bỏ qua. Phong Nha - Kẻ Bàng là di sản thế giới, tức là du khách thập phương có quyền thưởng ngoạn, nếu không di sản sẽ bị lãng quên. Lo lắng của nhiều người là không sai, nhưng cũng không thể không làm gì với giá trị di sản đặc hữu của Sơn Đoòng, và chính quyền nếu không khai thác giá trị của nó để phục vụ đời sống dân sinh là điều vô lý.
"Di sản sẽ bị đắp chiếu nếu không có khách du lịch, giống như vàng kim cương nằm dưới đáy biển thì cũng chỉ là cục đất", ông Siêu ví von. Tuy nhiên, nhà đầu tư khi làm cái mới phải thực hiện đúng pháp luật, có trách nhiệm và thực hiện đúng tinh thần của ngành du lịch là chất lượng, hiệu quả bền vững và có sự cạnh tranh.
Chủ đầu tư phải mang giá trị di sản quay lại phục vụ đời sống nhân dân, đồng thời bảo tồn phát huy giá trị của nó. Theo ông Siêu, du lịch có trách nhiệm là giải pháp để phát huy giá trị di sản. Trong đó đặc biệt phải tôn trọng giá trị văn hóa bản địa, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, tối đa lợi ích kinh tế cộng đồng, tăng cường giao lưu du khách với người bản địa. Bên cạnh đó phải sử dụng nhân lực, nguyên vật liệu địa phương và hạn chế các hoạt động ảnh hưởng môi trường.
"Tôn trọng văn hóa bản địa là giải pháp then chốt thoát khỏi sự yếu kém, tăng sức cạnh tranh cho du lịch Việt Nam", ông Siêu nói.
Hang Sơn Đoòng ở dưới sâu nên để xuống được, mọi người rất vất vả để đưa được các thiết bị vào bên trong. Ảnh minh họa: Huffington Post.
Vị Phó tổng cục trưởng cũng lưu ý, bất kỳ hoạt động nào ở vùng di sản cũng gây ảnh hưởng ít nhiều đến tài nguyên du lịch vì đây là yếu tố nhạy cảm và dễ bị tổn thương do không thể phục hồi nguyên trạng nếu như bị xâm phạm. "Nếu những giá trị hấp dẫn bị mai một vì xâm hại thì nơi đó không còn hấp dẫn khách du lịch nữa mà trở thành nơi hoang phế", ông Siêu nói và cho rằng, bước đầu khảo sát nghiên cứu kỹ lưỡng khách quan là yêu cầu bắt buộc, cần thiết.
Riêng với trường hợp của Sơn Đoòng, ông Siêu phân tích, địa phương cần xác định ngưỡng trần của sức chứa, đón tiếp vào hang như thế nào để không phá vỡ không gian thiên nhiên, phá vỡ cảnh quan hoang sơ. Địa phương cũng cần tính toán các hoạt động được phép diễn ra và quy hoạch khu vực hoạt động cụ thể.
Liên quan đến vấn đề trên, bà Dương Bích Hạnh, Trưởng Ban Văn hóa thuộc Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cho biết, tổ chức này chưa thể đưa ra ý kiến hay bất kỳ bình luận gì vì còn phải chờ Quảng Bình gửi hồ sơ dự án xây dựng cáp treo.
Theo yêu cầu được đưa ra trong hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới 1970 thì các quốc gia thành viên cần nộp hồ sơ dự án đối với những dự án có tác động đến di sản. Sau khi nhận được hồ sơ dự án, UNESCO sẽ thẩm định và đưa ra khuyến nghị. Việc thẩm định có thể bao gồm việc cử chuyên gia đi thực địa tại khu di sản.
Các Bộ, ngành liên quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chưa đưa ra bình luận vì chưa nhận dự án từ Quảng Bình.