ảnh minh họa
Nằm cách trung tâm thành phố biển Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) hơn 3km về phía Tây, ngôi làng nhỏ ở Ngọc Hội (xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang) lâu nay nổi tiếng khắp duyên hải Nam Trung Bộ bởi ở đây đang tồn tại một “làng cối đá xưa” với đủ các loại cối đá khác nhau.
Khi đến đây, người xem có cảm giác như lạc vào “mê cung” cối đá bởi hiện vật này được trưng bày la liệt khắp lối đi. Để có được “bộ sưu tập” cối đá hiếm thấy này, từ nhiều năm qua, anh Lộc đã lang thang đến khắp các ngôi làng hẻo lánh ở các tỉnh Miền Trung để sưu tầm, chọn lựa. Trong đó, nhiều nhất các bộ cối đá có nguồn gốc từ các làng quê ở Nam Trung Bộ như: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa…
Được biết, những bộ cối đá ở thôn Ngọc Hội mà anh Lộc đang sở hữu được giới chuyên môn nhận định có bộ có niên đại lên đến hàng trăm năm tuổi, bộ có niên đại ít nhất cũng 50-70 năm. Song, đây là mốc niên đại “cứng” vì nhiều bộ cối đá có thể còn có niên đại sớm hơn.
Trong số hơn 5.000 bộ cối đá với đủ các kích thước, trọng lượng khác nhau ấy, anh Lộc cho biết bộ lớn nhất được gọi là “bộ đại” với đường kính 80cm, cao 40cm, bằng chất liệu đá tự nhiên. Bộ nhỏ nhất gọi là “bé điệu” với đường kính 20cm, niên đại có thể hơn 200 năm cũng bằng đá tự nhiên.
Hiện số cối đá này được anh Lộc trưng bày dọc theo các lối đi trong khuôn viên sân vườn rộng khoảng 4.500m2 của gia đình với những khu nhà cổ theo lối kiến trúc Miền Trung (kết cấu 5 gian, 3 căn, 2 chái) đã tạo nên ấn tượng đặc biệt đối với tất cả mọi người khi đến đây.
Anh Lộc cho biết: người được mệnh danh là “ông vua cối đá Việt”, hiện không gian trưng bày cho hơn 5.000 bộ cối đá này đang trong giai đoạn xây dựng để hoàn thiện “khu làng nghề truyền thống” nhằm phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách, đặc biệt là những ai muốn quan tâm nghiên cứu văn hóa làng nghề truyền thống đương đại.
Với chiếc cối đá mà ông bà, tổ tiên ta đã tạo ra. Sự phát triển của cuộc sống hiện đại khiến cối đá thủ công không còn đất sống và chúng đang trên đà biến mất nên tôi nghĩ nếu không lưu giữ, bảo tồn kịp thời thì nay mai thôi, chúng ta sẽ không bao giờ nhìn thấy nó nữa. Với lại, tôi nghĩ sưu tầm cối đá, một vật dụng gắn liền với cuộc sống của con người trước kia cũng là một cách để bảo tồn văn hóa Việt”. /.