Công viên Thương Bạc một màu xanh, nhìn từ sông Hương
Ngắm thành phố di sản xanh
Đầu tiên phải kể đến các con đường mang màu sắc xanh trong lòng thành phố Huế. Chẳng hạn, trong tâm khảm người dân Huế, đường Lê Duẩn được gọi là đường “phượng bay” do hai bên được trồng che phủ bởi màu xanh của cây phượng. Trong âm nhạc, bài hát Mưa hồng cũng có đoạn: “Đường phượng bay mù không lối vào. Hàng cây lá xanh gần với nhau” để chỉ về con đường đầy màu xanh này.
Ngoài diện tích cây xanh trên từng tuyến phố, các công viên cũng đóng góp không nhỏ vào những mảng xanh đẹp cho thành phố Huế. Có thể kể đến là công viên Lê Lợi, công viên Thương Bạc, công viên Nguyễn Văn Trỗi… với những bóng cây xanh mát che những ghế đá công viên để mọi người có không gian thư thái và yên tĩnh.
Những bãi cỏ xanh trước Đại Nội Huế
Ngoài ra, phải kể đến hệ thống nhà vườn của Huế, đặc biệt là ở vùng đất Kim Long. Những ngôi nhà vườn của Huế vẫn giữ được hầu như nguyên vẹn nét đẹp cổ xưa. Nhà văn xứ Huế Nguyễn Khắc Phê cũng đã khẳng định rằng: “Đến Huế mà chưa thảnh thơi dạo bước vào chơi dăm ba ngôi nhà vườn đẹp nhất, hay chưa ghé thăm một vài vương phủ ở chốn cựu kinh, thì coi như... chưa đến”.
Cũng phải kể đến cảnh sông Hương, núi Ngự, là những cảnh quan thiên nhiên thuộc 20 cảnh đẹp Huế đô do vua Thiệu Trị lựa chọn. Sông Hương, dòng sông quyến rũ ở cả đầu nguồn lẫn cuối nguồn, là nơi các vua nhà Nguyễn thường dạo thuyền rồng đi thưởng lãm và hiện là con sông thơ mộng bắt qua giữa lòng thành phố Huế nhộn nhịp và hiện đại, đúng như miêu tả của nhà thơ Thu Bồn: “Con sông dùng dằng, con sông không chảy. Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”.
Còn núi Ngự là bức bình phong màu xanh che chắn thành phố Huế, gắn liền với sông Hương, là cảnh quan không thể tách rời của vùng đất Cố đô từ xưa đến nay. Bởi thế khi đến Huế thi sĩ Bùi Giáng đã viết rằng: “Dạ thưa xứ Huế bây giờ. Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”.
Hồ bán nguyệt và cảnh sắc ở chùa Từ Hiếu
Tiếp nữa, hồ Tịnh Tâm, nơi vua thường tới để yên tĩnh, thư thái tâm hồn nay cũng đã nổi tiếng cả nước bởi vẻ đẹp và hương sen thơm ngát. Ca dao miền Hương Ngự chính vì thế đã có câu: “Hồ Tịnh Tâm nhiều sen bách diệp. Đất Hương Cần ngọt quýt, thơm cam”.
Huế là thành phố của Phật giáo nên phải kể đến màu xanh bát ngát của cây bồ đề. Và ở các chùa Huế thường trồng cây bồ đề.
Cây bồ đề tỏa bóng xanh mát
Cuối cùng, sau một thời gian dài hoang phế, các khu vườn của Hoàng Thành Huế, đầu tiên là vườn Cơ Hạ và vườn Thiệu Phương đã được phục hồi lại vẻ đẹp như hình dáng năm xưa. Đây là những khu vườn thượng uyển mà những cảnh quan đời thường không thể nào so bì được, tạo cho du khách cảm giác thư thái và thích thú đến lạ lùng.
Màu xanh trải khắp xứ Huế
Sau khi dạo chơi một vòng thành phố di sản, du khách có thể làm mới cảm xúc của mình bằng cách tìm về vùng phụ cận kinh đô với những đồng lúa xanh trải dài xa tít tắp và những xóm làng ẩn khuất sau những lũy tre xanh vẫn đậm chất chân quê như hàng ngàn năm trước.
Đặc biệt nhất là về làng Thủy Thanh Chánh, xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy để thăm chiếc cầu ngói Thanh Toàn độc đáo của xứ Huế. Chính vì thế nên có câu: “Ai về cầu ngói Thanh Toàn. Cho em về với một đoàn cho vui…” để gọi mời du khách đến với vẻ đẹp lôi cuốn này.
Vẻ đẹp đặc trưng của vùng quê xứ Huế
Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng vinh dự có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp là Vườn Quốc gia Bạch Mã. Vườn Quốc gia Bạch Mã thuộc địa phận 2 huyện Phú Lộc và Nam Đông, cách thành phố Huế 60km về phía nam.
Vườn Quốc gia Bạch Mã còn giữ được hầu như nguyên vẹn những thảm thực vật phong phú và những cánh rừng nguyên sinh bát ngát... Đặc biệt, khí hậu ở đây gần giống Ðà Lạt, Sa Pa, Tam Ðảo, nhưng do gần biển nên nhiệt độ mùa đông không bao giờ xuống dưới 4ºC, và nhiệt độ cao nhất vào mùa hè ít khi vượt quá 26ºC.
Các chuyên gia nước ngoài đã đánh giá Bạch Mã là một trong những vùng khí hậu dễ chịu nhất của những nơi nghỉ ở vùng núi Đông Dương. Đây thực sự là một địa điểm lý tưởng để du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng.
Du khách chuẩn bị ngắm cảnh sắc đường phố Huế trên xích lô
Bên cạnh đó, nhắc đến cảnh quan du lịch xanh của Huế, ít ai đến Huế mà không nhớ rừng thông Thiên An. Rừng thông Thiên An thuộc xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, có cảnh quan không kém gì những rừng thông ở Đà Lạt. Khu rừng thông này đã đi vào lòng người xứ Huế với những mối tình lứa đôi lãng mạn cùng những kỳ nghỉ dưỡng không thể nào quên.