Ngôi nhà đặc biệt này có diện tích khoảng 90m², tọa lạc trong khuôn viên rộng 500m² đã nhận được 2 kỷ lục Việt Nam.
Sau 4 năm mày mò nghiên cứu, đến năm 2008, anh Dũng đã tìm ra công thức làm cứng đất (pha đất đỏ bazan với một số phụ gia) và cho ra đời ngôi làng này. Trong ngôi làng, nổi bật nhất chính là ngôi nhà đã được Trung tâm sách kỷ lục VN xác nhận 2 kỷ lục: ngôi nhà bằng đất đỏ bazan không nung có mái đắp nổi hình bản đồ Việt Nam đầu tiên và có diện tích lớn nhất; ngôi nhà đất đỏ bazan không nung đầu tiên và có phong cách độc đáo nhất.
Với bản đồ hình chữ “S” Việt Nam và 2 quần đảo: Trường Sa, Hoàng Sa ở trên mái ngói cho thấy chủ quyền biển đảo của Việt Nam rất rõ ràng. Các em nhỏ khi tham quan ngôi nhà đều thích thú reo lên: "Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam".
Anh Dũng trả lời với báo chí về việc để bản đồ Việt Nam lên mái nhà đất sét rằng: "Tổ quốc thiêng liêng nhất nên phải đặt ở vị trí cao nhất, từ mọi phía đều nhìn thấy được".
Anh Dũng cho biết công nghệ đất đỏ bazan không nung đã được một số nước Châu Âu sử dụng để làm đường từ lâu. Nhưng làm công trình kiến trúc bằng chất liệu này thì còn quá mới mẻ.
Cảnh rừng núi hoang vu, cây cối, động vật rừng, hồ, thác, núi Langbiang đến những ngôi nhà, những nơi sinh hoạt của người dân bản địa và cả cỗ xe ngựa.
Ngôi nhà đất của anh Dũng dựa lưng vào núi, hướng mặt ra hồ. Bốn mặt tường phía ngoài là những hình ảnh gửi gắm cái nhìn về văn hoá, về nhân sinh, về tình yêu Đà Lạt.
Những ngày này Đà Lạt mưa, nhiều du khách cũng thắc mắc đất có bị nhão ra không, anh Dũng khẳng định dù nguyên liệu làm công trình là đất sét nhưng được pha bằng công nghệ đặc biệt. Nó là một hỗn hợp, có độ bền tương đương với bê tông.
Bên trong ngôi nhà bằng đất sét.
Bên trong căn nhà được trang bị đầy đủ từ âm thanh, ánh sáng, ti vi... Các vật dụng đều được thực hiện với chất liệu đất đỏ bazan, tỷ lệ vật liệu bột đá và xi măng chỉ 10%
Tất cả nội thất bên trong như bàn, ghế, giường, bồn tắm, bồn rửa tay, lò sưởi, tranh ảnh trên tường… cũng được tạo ra từ nguyên liệu đất đỏ bazan cùng với bột đá và phụ gia.
Để ngôi nhà cũng như những đồ dùng khác được đẹp, không bị bong, bạc màu, gia chủ của nó đã dùng một loại sơn đặc được chế tạo từ đất đỏ có pha trộn với hóa chất để sơn lên.
Tượng nhà khoa học Alexandre Yersin - Người tìm ra Đà Lạt - cũng được anh Dũng làm tượng bằng đất sét.
Công trình ngôi nhà cùng đường hầm này vừa được Hội Kiến trúc sư Việt Nam trao giải kiến trúc xanh 2014 và nhanh chóng trở thành sản phẩm mới của du lịch Đà Lạt, thu hút hàng chục ngàn lượt du khách gần xa.