Ông Dunu đang lấy lửa - Ảnh: N.T
Tiếng gọi nơi hoang dã
Từ làng San Juan xuôi theo dòng sông Galvez hơn một tiếng đồng hồ để đến Buen Peru, ngôi làng thứ hai của người Matsés. Từ đây lại tiếp tục băng rừng thêm vài tiếng nữa mới đến cái chòi lá như ụ rơm giữa rừng già. Đó là nơi ở của Dunu (tiếng Matsés nghĩa là chiến binh).
Một ông già đen nhẻm, trần truồng lò đầu ra khỏi chòi, nhìn chúng tôi bằng đôi mắt ngạc nhiên. Cho đến khi thấy mặt người dẫn đường Denis (là cháu của ông), mặt ông mới giãn ra. Ông chui tọt vào chòi. Một phút sau trở ra, người vẫn thế, vẫn vòng lá dừa trên đầu, vẫn hình xăm đặc trưng của người Matsés trên mặt, nhưng lần này thì không còn trần truồng nữa mà thay vào đó là cái quần xịp cũ kỹ. “Ông già chẳng khi nào bận quần. Mấy cái quần này là bọn tôi mang đến và thuyết phục mãi ông mới chịu mặc. Nhưng chỉ khi có người lạ đến thôi. Ngay cả khi đi rừng, ông chỉ độc một cái vòng lá trên đầu, kẹp dương vật vào sợi thắt lưng làm bằng lá cọ cột ngang bụng (để khỏi lủng lẳng). Cứ thế mà tồng ngồng với hai bà vợ và hai đứa con”, Denis cho biết.
Dunu vốn là người Matis bị người Matsés bắt cóc về từ khi còn nhỏ nên cũng trở thành người Matsés và sống tại làng Buen Peru. Những thập niên cuối thế kỷ trước, khi những người truyền giáo và chính phủ Peru đem “ánh sáng văn minh” tìm đến người Matsés và cung cấp thực phẩm, quần áo, thuốc men…, phần lớn đều chấp nhận. Tuy nhiên, cũng có một số người Matsés từ chối. Họ dần lùi sâu vào rừng, tránh tiếp xúc với thế giới văn minh. Dunu là một trong số đó.
Ông mang theo hai bà vợ vào rừng, cả gia đình tự cô lập giữa rừng già, sinh con đẻ cái ở đấy. Bà vợ cả trạc tuổi Dunu vẫn “trang điểm” như tổ tiên mình bằng những sợi râu làm từ gân lá cọ gắn trên mép trông như con báo (loài vật oai hùng, đáng sợ nhất của người Matsés).
Cuộc sống nguyên thủy
Hector, nhà tự nhiên học, lại lên cơn thèm thuốc lá. Hộp quẹt mang theo sạch cả gas nên quay sang hỏi Dunu xin chút lửa. Dunu chẳng nói chẳng rằng, dùng dao khoét một lỗ nhỏ trên cây nứa, đặt dưới đó một chút bùi nhùi (từ cây bông gòn) rồi lấy một cây que đặt vào lỗ, dùng tay se liên tục. Năm phút sau, ma sát giữa cây que và thanh nứa đã bắt lửa vào đống bùi nhùi. Thật ra, cách làm lửa kiểu này tôi không lạ vì đó là một trong những kiến thức cơ bản khi đi rừng, nhưng không ngờ ở thời đại này, khi tên lửa, vệ tinh đã phóng vù vù khỏi trái đất cách đây vài chục năm, khi chỉ cần bỏ 2.000 đồng ra là mua được cái hộp quẹt xài thả ga cả tháng thì ở một nơi không cách xa thế giới văn minh là mấy, vẫn có người hằng ngày muốn có lửa phải hì hục làm bằng cách thủ công và thô sơ như thế.
Nơi ở của gia đình Dunu là cái chòi lá được dựng trên nền đất, bên trong chẳng có gì đáng giá ngoài bốn cái võng và hai cái bếp cho hai bà vợ. Khắp chòi, thứ “văn minh nhất” có lẽ là mấy cái nồi và vài bộ quần áo mà Denis mang vào cho. Ngay sát cửa (thật ra chỉ là tấm phên bằng lá dừa) treo đầy cung tên và giáo để chống kẻ thù hoặc thú một cách nhanh nhất. Bà vợ cả đang cắt tóc cho con gái bằng một đoạn nứa được mài sắc. Cắt đến đâu, bà nhanh tay lượm tóc rụng giấu vào hai bên vách lá: “Phải cất kỹ, không thì bọn bộ tộc khác tìm được rồi ếm bùa mình”, bà thì thào ra vẻ bí mật. “Người Matsés có ếm ngược lại không?”, tôi hỏi. “Có chứ. Muốn ếm ai, chỉ việc lấy tóc nó nhai tobacco (một loại thuốc lá loại nặng) trong miệng rồi nhổ vào đống tóc của kẻ thù mà mình muốn ếm. Người bị ếm bụng sẽ bị trướng lên và chết”, bà nói. Bà vợ hai mới đi rừng về, vai vác cây chuối thật to, đầu vẫn đeo theo cái gùi bện bằng lá cây rừng. Nghe hỏi về bùa chú, bà cũng kể thêm: “Cách ếm khác là lấy tóc hay móng tay của nó vất vào lửa rồi ếm”. “Thế sao phải giấu mà không đốt tóc, móng tay của mình để không ai có thể ếm mình được?”, tôi hỏi. “Không, nếu làm như vậy sẽ là tự ếm mình luôn đấy”.
Đang nói thì trời bắt đầu chuyển mưa. Mây đen đã phủ kín, gió thổi ào ào qua cánh rừng làm hàng cây vặn mình kêu răng rắc, cuốn theo đám lá bay đầy trời… Dunu ngậm một nhúm tobacco trong miệng nhai rồi ngửa mặt lên trời phun ra và lẩm bẩm: “Trời đừng làm mưa nữa vì muông thú sẽ sợ hãi, con người không thể đi săn được”. Trong khi đó, Sadia, vợ cả của Dunu, lại lẳng lặng ra trước lều cắm hai cái rìu xuống đất. “Đừng lo, sẽ không mưa đâu”, bà nói giọng chắc nịch. Không mưa sao được. Không khí đã sực mùi hơi nước, mưa đã lắc rắc vài hạt… Vậy mà lạ thật, chỉ vài phút sau, trời tự nhiên quang đãng lại, mặt trời lại chói chang như chưa từng chuyển mưa bao giờ. Tôi ngạc nhiên: “Tại sao thế?”. Bà già không trả lời chỉ hỏi ngược lại: “Tao cầm hai cái rìu giơ lên trước mặt, mày có sợ không?”. “Dĩ nhiên rồi”, tôi đáp. Rồi bà tiếp, giọng thản nhiên: “Ừ thì ông trời cũng vậy thôi”. (còn tiếp)
Dunu khoảng gần 60 tuổi. Ước chừng là vậy vì khi tôi hỏi tuổi, Dunu lắc đầu không biết và chỉ nói “nhiều lắm”. Hỏi tuổi bà vợ cả, cũng nhận được câu trả lời y chang. Lúc này, Denis mới giải thích: “Người Matsés lớn tuổi chỉ biết cách đếm truyền thống của họ. Số 5 là số lớn nhất. Sau đó lại lặp lại chu kỳ của 5. Thí dụ: số 7 sẽ là 2 của đơn vị 5 thứ 2. Vì thế, với những gì lớn hơn 25, họ sẽ nói: rất nhiều vì không còn số để đếm nữa”.