Miệng hố Derweze thu hút rất nhiều du khách (Nguồn: AFP)
Miệng hố nói trên có tên Derweze hoặc Darvaza, thường được dân địa phương gọi là “Cổng địa ngục" hay "Hỏa Diệm Sơn" nằm trong sa mạc Karakum.
Trong hố luôn có đầy các đám cháy như ở dưới địa ngục. Thực tế đây là các ngọn lửa hình thành bởi khí ga bốc lên từ dưới lòng đất. Không ai rõ khi nào ngọn lửa trong miệng hố có chiều rộng 60 mét, sâu 20 mét này sẽ tắt. Người ta chỉ biết rằng lửa đã bắt đầu cháy sau một tai nạn khoan thăm dò vào năm 1971.
Giai đoạn đó, các nhà khoa học Liên Xô đang thăm dò một giếng khí đốt tự nhiên, vốn xuất hiện nhiều tại quốc gia giàu khí đốt này. Tuy nhiên vùng đất nơi họ khảo sát đã bất ngờ sập xuống. May mắn là không ai bị thương trong vụ tai nạn.
Tuy nhiên, lo sợ khí ga độc hại đe dọa tính mạng cư dân địa phương và các động vật sống trong vùng, các nhà địa chất đã châm lửa đốt khí. Họ nghĩ rằng lửa sẽ sớm tắt lụi. Tuy nhiên họ đã tính toán sai và tới nay lửa vẫn cháy trong miệng hố trên, tạo ra một khung cảnh siêu thực.
Năm 2010, Tổng thống Turkmenistan Gurbanguly Berdymuhamedov quyết định rằng Derweze cháy thế là đủ rồi nên ra lệnh lấp đất vào miệng hố.
Nhiều du khách đã tới sát miệng hố để quan sát (Nguồn: AFP)
Tuy nhiên 4 năm sau, giới chức Turkmenistan dường như đã tìm thấy một giải pháp tốt hơn cho miệng hố này: du lịch.
"Mỗi năm miệng hố này lại thu hút ngày càng nhiều mối quan tâm hơn, đặc biệt là với các du khách nước ngoài" - giới chức thuộc ủy ban quốc gia du lịch Turkmenistan nói với AFP.
Họ cũng hy vọng miệng hố bốc cháy này sẽ giúp thu hút du khách và các nhà nghiên cứu tới thăm khu bảo tồn tự nhiên rộng 90.000 ha nằm gần đó tại sa mạc Karakum.
Hiện nay việc tới được miệng hố trên, nằm cách thủ đô Ashgabat 270km, là việc không dễ dàng. Tuy nhiên những người muốn tìm cảm giác mạnh vẫn sẵn lòng bỏ tiền ra thuê hướng dẫn viên để tới được nơi này.