ảnh minh họa
Cổng trời Quản Bạ
Cách thị xã Hà Giang 45 km, cổng trời Quản Bạ là địa danh khá nổi tiếng từ thời Pháp thuộc, đây là cửa ngõ đầu tiên khi đi từ Hà Giang đến cao nguyên đá Đồng Văn. Cổng trời này rất đặc biệt bởi địa thế, từ độ cao 900 -1200 mét so với mặt nước biển, du khách có thể thu vào thầm mắt toàn bộ thị trấn Tam Sơn, một vài vùng lân cận. Đứng giữa cổng trời, có thể phóng tầm mắt bao quát cả thung lũng rộng lớn phía dưới với các cánh đồng trải dài tựa tấm thảm mượt như nhung với những ô màu vàng rực của lúa chín chen lẫn những mảng lúa xanh non và sắc nâu trầm ấm của đất núi. Những mái nhà nhỏ xinh, ấm cúng nép mình bên thảm lúa.
Núi đôi Quản Bạ
Núi đôi Quản Bạ nằm trong lòng thị trấn Tam Sơn, nằm ở độ cao trên 1000 mét so với mực nước biển, không khí trong lành, cảnh sắc hoang sơ, thiên nhiên hùng vĩ với những dãy núi đá vôi trùng điệp. Thiên nhiên đã ban tặng cho nơi đây một kiệt tác mà người ta gọi là núi cô tiên, núi đôi hay thạch nhũ đôi, là hai vú đá đẹp như khuôn ngực trần của người thiếu nữ, nguồn sinh lực dồi dào không vơi cạn để làm nên sức sống của nơi này. Thời điểm tham quan thích hợp vào mùa hè hoặc mùa thu, vào buổi sáng sớm hay buổi chiều để ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên vô cùng tươi đẹp.
Ruộng bậc thang
Ruộng bậc thang ở Hà Giang đẹp nhất nằm ở hai huyện Hoàng Su Phì và Xí Mần, khu vực đẹp nhất là ở xã Thông Nguyên, Bản Péo, Nam Sơn, Hồ Thầu, Nậm Dịch và một số bản trên đường từ Bắc Hà (Lào Cai) đi Hoàng Su Phì. Đến đây, du khách sẽ ngất ngây trước cảnh sắc muôn hình của những thửa ruộng bậc thang được tạo ra từ bàn tay của con người. Bạn nên đi vào tháng 9, tháng 10, và đầu mùa xuân bởi đây là thời điểm những thửa ruộng bậc thang được chuẩn bị gieo cấy và đang lên xanh.
Hồ sinh thái Quang Minh
Thuộc huyện Bắc Quang, hồ Quang Minh có tổng diện tích khoảng 300 ha, trong đó diện tích mặt nước hồ trên 70 ha, còn lại là đồi núi, ngoài ra còn có suối và hang động, tài nguyên thực vật chủ yếu là rừng tái sinh và rừng trồng.
Đây là một địa điểm sinh thái lý tưởng cho khách du lịch, có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và phong phú, có khí hậu mát mẻ, trong lành, đường giao thông thuận tiện, người dân bản địa vẫn giữ nguyên phong tục tập quán, bản sắc văn hóa dân tộc. Thời điểm tham quan thích hợp là mùa khô (từ tháng 8 đến đầu năm sau), thời điểm nước trong hồ xanh và ổn định, tạo điều kiện cho du khách có thể kết hợp các loại hình du lịch, dịch vụ khác quanh vùng.
Khu di tích kiến trúc nhà Vương
Khu di tích này thuộc địa phận xã Xà Phìn, huyện Đồng Văn. Đây là một công trình độc đáo, được xây dựng từ đầu thế kỷ 20 mô phỏng theo kiến trúc cổ Trung Quốc thời Mãn Thanh với những đường cong, nét lượn, trạm trổ tinh xảo... Đây không chỉ là dinh thự mà còn là pháo đài phòng thủ giữa cao nguyên đá trong thời điểm lịch sử đó. Nhà Vương có diện tích 1120 m2, được gia chủ Vương Chính Đức trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng. Khu di tích này được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia từ năm 1993 và hiện nay được trùng tu lại, trở thành một điểm nhấn của mọi tuyến du lịch khi lên đến cao nguyên Đồng Văn.
Phố cổ Đồng Văn
Dãy phố dài gần một km được hình thành cách đây gần một thế kỷ, với những nét kiến trúc đặc trưng của đồng bào vùng cao với nhà trình tường, mái ngói âm dương, nền lát đá... Điểm nhấn và bắt đầu của dãy phố là khu chợ cổ, được xây bằng đá mái lợp ngói âm dương. Phố cổ Đồng Văn còn hơn 40 ngôi nhà 100-300 tuổi, trong đó ngôi nhà của dòng họ Lương được xác định là lâu đời nhất. Những đêm rằm, toàn bộ dãy phố được thắp sáng bằng những chiếc đèn lồng đỏ với nhiều kích cỡ, phục vụ ẩm thực và các hoạt động văn hóa khác.
Cột cờ Lũng Cú
Đây là điểm du lịch mang ý nghĩa lịch sử thiêng liêng. Đứng trên đỉnh Lũng Cú, có thể nhìn bao quát quanh cảnh hùng vĩ xung quanh. Cột cờ Lũng Cú nằm ở độ cao trung bình 1.600 mét so với mặt biển, bên trái là thung lũng Thèn Ván, bên phải là đầu nguồn dòng sông Nho Quế bắt đầu từ Vân Nam Trung Quốc đổ về Đồng Văn, Mèo Vạc.